Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ sáng 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin về kết quả 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Nội vụ và những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, riêng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 Bộ đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, toàn diện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Về công tác xây dựng thể chế chính sách, người đứng đầu Bộ Nội vụ thông tin đã trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022.
Trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.
“Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022)”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Đang khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết; Trình Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết và đang trình 4 dự thảo Nghị định.
Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư và 3 văn bản hợp nhất. Hiện nay đang trình, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ 4 dự thảo Thông tư…
Về lĩnh vực tổ chức và biên chế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
“Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 Bộ ngành (có 4 Bộ đề nghị không thay đổi Nghị định)”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thêm: "Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để sắp xếp tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, đây là một việc rất nhạy cảm, khó khăn nên phải bám chặt vào những quy định và chủ trương theo Nghị quyết 56 của UBTV Quốc hội, làm sao giảm được các Tổng cục, Vụ tương đương, giảm các phòng bên trong các đơn vị, đây cũng là khối lượng công việc rất nặng nề".
Về vấn đề quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đây là vấn đề nóng, Bộ đã tiến hành phân cấp để đào tạo, bồi dưỡng từ đó cắt giảm các loại chứng chỉ.
“Để cắt giảm 152 chứng chỉ, trong đó có 61/63 chứng chỉ của công chức, 89 chứng chỉ của viên chức, bỏ chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học cũng không hề đơn giản. Nhưng, chúng tôi cũng quyết tâm để thực hiện việc này.
Hiện nay, yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương ban hành Thông tư trong việc thực hiện công tác đảm bảo bồi dưỡng, cán bộ công chức, viên chức đúng với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn”, Bộ trưởng nói.
Thực hiện Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước.
Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát số liệu về biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị.
Đồng thời, tổng hợp ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Kết luận số 28 ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Rà soát vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để gửi Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; đồng thời tập trung xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các nội dung liên đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm tính hiệu quả trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
Về lĩnh vực cải cách hành chính, người đứng đầu Bộ Nội vụ thông tin đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả CCHC năm 2021 và ban hành Kế hoạch hoạt động CCHC năm 2022, Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022.
Tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các Bộ, các địa phương.
Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
Theo số liệu thống kê đến đầu Quý II/2022, số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đạt 86% tăng mạnh so với năm 2020 (năm 2020 chỉ số này chỉ đạt 30%).
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng; tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; trình Chính phủ xem xét ban hành 19 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 18 Thông tư thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Tham mưu, phối hợp hiệu quả về đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm;
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; đổi mới phương thức nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp với quản lý và trả lương theo vị trí việc làm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”; “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trình Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ số, trong đó tập trung là chuyển đổi các thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cán bộ phóng viên, biên tập viên nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; đồng thời trao Bằng khen cho 5 cá nhân thuộc các cơ quan thông tấn báo chí vì đã có sự đóng góp nổi bật trong công tác truyền thông Bộ.