Đảm bảo sức sống lâu dài của luật
Sáng 14/2, phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết các ý kiến góp ý của ĐBQH tại cuộc họp tổ và tại hội trường cho 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) rất tâm huyết, sắc đáng, thiết thực để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa.
Từ đó, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trước khi các ĐBQH bấm nút, ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình đầy đủ những ý kiến của các đại biểu.
Theo Bộ trưởng, Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước Việt Nam và việc sửa luật này được thực hiện vào thời điểm lịch sử. Vì vậy, luật sửa đổi mang ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý và lịch sử khi chúng ta đang thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
"Đồng thời, gắn với tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế để khơi thông nguồn lực để đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng nêu giải trình.
Bà Trà cũng cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này được xây dựng với tư duy hoàn toàn mới về xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, để luật đảm bảo sức sống lâu dài, vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước và vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo và phát triển.
Bộ trưởng cho hay, nhiều ĐBQH rất đồng tình với thiết kế của dự luật này. Dự luật bám sát chủ trương của Đảng về phân định thẩm quyền và thể hiện mối quan hệ của Chính phủ, các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương để khắc phục những vấn đề giao thoa chồng chéo và bảo đảm được vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp.
Bộ Trưởng nhấn mạnh, với vấn đề giao thoa giữa Luật Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ được giải quyết căn bản trong lần sửa đổi này.
Tháo gỡ những rào cản để phân quyền, phân cấp
Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, bà Trà cho biết đây là vấn mang tính cốt lõi, căn cơ, có tư duy đột phá nhất khi sửa luật lần này. Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều nhất.
Dự luật hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng. Từ đó, tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của 3 hệ thống hành chính Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản để phân quyền, phân cấp và phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.
"Vừa qua, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, chúng tôi đã tiến hành rà soát để thực hiện phân cấp, phân quyền, thì thực sự phát hiện những điểm "rất vướng". Tại sao không làm được phân cấp, phân quyền? Vì luật chuyên ngành quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng", bà Trà nói.
Theo bà Trà, qua rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định cụ thể nội dụng phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Các luật cũng quy định rất rõ nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, của HĐND các cấp… Đây là sự chồng chéo, khó để thực hiện phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng khẳng định, các luật chuyên ngành phải đi theo nguyên tắc của dự luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền và làm rõ được đối tượng, chủ thể, phạm vi, nội dung theo từng các cấp độ khác nhau.
Đồng thời, dự luật cũng quy định điều khoản rất quan trọng đó là "Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền".
Bà Trà khẳng định, đây là vấn đề rất mới nhưng phải đặt trong bối cảnh đặc biệt của đất nước, nếu không làm như vậy thì không thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, rào cản lớn nhất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Chúng ta lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, là chủ thể độc lập phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân vì đây là mục tiêu của thể chế, của chế độ khi tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của con người", Bộ trưởng nhấn mạnh.