Bức thư của một cô bé 10 tuổi là em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 sắp lên lớp 6, gửi tới thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai trường đã khiến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cảm động.
Sau khi đọc được những dòng tâm tư của em, Bộ trưởng đã gửi một bức thư khen em đề nghị "không thả bóng bay" ngày khai trường năm nay.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên môi trường chia sẻ, ông rất xúc động trước tâm nguyện nhỏ bé nhưng đầy trách nhiệm của cô học trò lớp 5: "Bức thư với những lời lẽ chân thành nhưng vô cùng ý nghĩa, khiến bác và nhiều người vô cùng xúc động".
Và đánh giá việc làm của Nguyệt Linh là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: "Như vậy là một hành động nhỏ của Con, đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho trái đất. Điều này nếu được nhân rộng ra các trường học khác, và các bạn khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường giống như Con thì tốt biết bao".
"Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của Con. Nhân dịp khai giảng năm học mới, bác gửi tặng Con món quà nhỏ, thể hiện tấm lòng của bác. Bác mong những ước mơ của Con sẽ sớm trở thành hiện thực, và Con sẽ cùng bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta".
Cùng lời phúc đáp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có gửi tặng em Nguyệt Linh món quà nhỏ là chiếc balo, một cây bút và một bình đựng nước không làm từ nhựa.
Trước đấy, dư luận đã hướng sự chú ý của mình vào bức thư của em Nguyệt Linh gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Cô học sinh đề xuất với thầy hiệu trưởng: "Trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay được không ạ?".
Nguyệt Linh cũng tuyên bố, em và các bạn hiện nay rất quan tâm tới vấn đề môi trường và muốn có sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho biết lá thư làm ông bất ngờ, xúc động và ông đã viết thư gửi lại cho cô học trò. Thư phúc đáp viết: "Thầy nhận được lá thư của con do một người bạn thân gửi đến, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng. Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường! Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc".
Dẫu biết rằng hành động thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng, bế giảng sẽ khiến không khí tổ chức đẹp hơn và ấn tượng hơn. Tuy nhiên, hiểm hoạ đằng sau hành động ấy cần được nghiêm túc nhìn nhận và cảnh báo.
Thứ nhất, những quả bóng bay tưởng như vô hại nhưng khi gặp lửa sẽ gây cháy nổ gây thương tích cho những người đứng gần, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Thứ hai, khi bóng bay thả lên không trung, nếu chúng vướng vào hệ thống đường dây điện thì đó sẽ trở thành mối nguy hại không hề nhỏ.
Thứ ba, hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ.
Do đó, các chuyên gia y tế đề xuất không nên sử dụng bóng bay trong ngày lễ, ngày khai giảng. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng, phải hết sức cẩn thận, tránh cầm quả to (gây nổ lớn), tránh cầm một chùm bóng (dễ bị nổ liên hoàn), tránh xa lửa,...
Vấn nạn "ô nhiễm trắng" tại các điểm du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.
Mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon mỗi ngày và hàng triệu túi nylon được sử dụng thải ra môi trường hàng ngày.
Hiện tại, các chuyên gia tin rằng chúng ta đã đến giai đoạn cần xem nhựa là một dấu hiệu hóa thạch, cho thấy sự tồn tại của một nền văn minh.
Minh Anh (Tổng hợp)