Tỉnh luôn sát sao với ngành tư pháp
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại biểu là lãnh đạo sở, ngành địa phương.
Báo cáo với đoàn công tác Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tư pháp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp,...
Song song đó, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh vẫn duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt quý, 6 tháng, 9 tháng, năm theo quy định. Quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị và địa phương thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, các chức danh lãnh đạo các sở, ngành liên quan, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp.
Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự (THADS) như chưa bàn giao được tài sản bán đấu giá cho người mua, án về đất đai, nhà ở; nhiều bản án hành chính chưa thi hành xong, chuyển sang theo dõi ở kỳ sau nhiều. Trong công tác kiện toàn công chức còn chậm trễ, lãnh đạo quản lý tại các đơn vị THADS vẫn còn tồn tại một số đơn vị thiếu kỷ cương, kỷ luật thậm chí có công chức bị xem xét trách nhiệm hình sự...
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, hiện nay khối lượng công việc nhiều, tính chất càng ngày càng phức tạp trong khi thiếu biên chế. Đáng kể đến là một số việc phải thi hành án với số tiền lớn nhưng khi tổ chức thi hành gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản dự án đầu tư của doanh nghiệp trong khi đó thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp chưa tới của các cơ quan liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, trong bối cảnh người ít việc nhiều như hiện nay, hoạt động của ngành tư pháp của Bình Thuận là hết sức cố gắng và về cơ bản bao quát được các mặt trong lĩnh vực tư pháp. Đặc biệt là Sở Tư pháp đã cố gắng bám sát chương trình công tác của địa phương và Bộ.
Bộ trưởng nhìn nhận, qua công tác tư pháp cho thấy, đã có sự chỉ đạo, lãnh đạo, chia sẻ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với hoạt động tư pháp và thi hành án (THA) tại Bình Thuận. Bộ trưởng cũng mong muốn trong tương tai, ngành tư pháp sẽ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đặc biệt là công tác thi hành án.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Bình Thuận tiếp tục cân nhắc và xây dựng bộ phận pháp chế tại các sở, ngành trong tỉnh, nhất là trong điều kiện đòi hỏi tính tuân thủ pháp luật ngày càng phải nâng cao. Xây dựng bộ phận pháp chế cũng sẽ giảm bớt gánh nặng hiện nay cho Sở Tư pháp.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác, các chỉ đạo của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực tư pháp, thi hành án. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một lần nữa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác tư pháp, thi hành án trong địa bàn tỉnh, đồng thời luôn quan tâm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành tư pháp. Sắp tới, các chương trình chỉ đạo, điều hành của tỉnh về công tác tư pháp sẽ được tăng cường hơn nữa để giải quyết dứt điểm những tồn tại trước đây.
Trong buổi sáng, đoàn công tác Bộ Tư pháp cũng sang thăm và làm việc với đoàn ĐBQH. Ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận và các Đại biểu đã tiếp đoàn. Hai bên đã có những trao đổi về hoạt động của đoàn đại biểu quốc hội tại các kỳ họp và địa phương, trong việc góp ý xây dựng luật, giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri.
Hiệu quả, thực chất
Báo cáo với đoàn công tác Bộ Tư pháp vào ngày 11/5, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận thông tin, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, công tác tư pháp được thực hiện đều và đạt trên các lĩnh vực.
Trong đó, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, ngành tư pháp đặc biệt coi trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp được thực hiện ngày càng nền nếp, tuân thủ trình tự, thủ tục luật định. Chất lượng văn bản QPPL ngày càng được nâng lên.
Trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong năm qua, Sở đã thực hiện tự kiểm tra 100% văn bản QPPL của UBND tỉnh ban hành và kiểm tra 100% văn bản do UBND cấp huyện gửi đến. Qua kiểm tra phát hiện một số văn bản của UBND cấp huyện chưa đảm bảo các yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, Sở Tư pháp đã có thông báo kết luận kiểm tra để các địa phương rút kinh nghiệm và thực hiện đính chính theo quy định.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Sở Tư pháp với đoàn công tác. Theo Bộ trưởng, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở luôn ổn định, đổi mới.
Về mục tiêu, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, ngành tư pháp Bình Thuận trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn, sở, ngành cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu chuyên môn của ngành, xử lý công việc bài bản, chuyên nghiệp. Một thực tế, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tính chất công việc ngày càng thách thức, rủi ro ngày càng cao. Vì vậy, mỗi cán bộ công chức của ngành tư pháp phải nhận thức rõ bối cảnh hiện tại để cẩn thận và chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Chỉ tiêu thi hành án dân sự chưa cao
Tại trụ sở Cục THADS Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục THADS cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và các Chi cục đã tiếp, làm việc với đoàn công tác.
Lý giải nguyên nhân ngành THADS tỉnh còn nhiều tồn tại vướng mắc, ông Hùng cho biết, chủ yếu xuất phát từ con người, từ lãnh đạo một số đơn vị tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa bám sát công việc đến các chấp hành viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, chưa trau dồi, nâng cao kinh nghiệm, kiến thức pháp luật dẫn đến việc thi hành còn chậm, năng lực trình độ đội ngũ công chức chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với ngành THADS.
Ngoài ra, có một số vụ việc, thời gian thi hành án hành chính của người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND các cấp kéo dài, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, từ đó kéo theo tình trạng khiếu kiện, khiếu nại tố cáo lên các cơ quan chức năng ở Trung ương. Lý giải thêm về tỉ lệ THA hành chính thấp, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Bình thông tin, một nguyên nhân khách quan là đất đai, tàu cá kê biên hiện đang khó bán đấu giá. Hiện nay, Bình Thuận đang có khoảng 300 bản án hành chính liên quan đến đất đai. Mặt khác, kinh phí bồi thường, xác định mức bồi thường, hỗ trợ… cũng rất khó.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhận xét, nghe báo cáo của Cục THADS, các chi cục và phòng nghiệp vụ, đoàn công tác đã ghi nhận sự cố gắng và chia sẻ với những thách thức khó khăn mà Cục THADS Bình Thuận đang gặp phải. Bộ trưởng đánh giá, mặc dù có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến kết quả THA của Bình Thuận, nhưng từ nay đến cuối năm, tập thể ngành THADS Bình Thuận phải tập trung cao độ để có bước chuyển biến. Từ những vụ việc khó thi hành, Bộ trưởng đề nghị Cục phải rà soát kỹ lưỡng các vụ việc, bóc tách chi tiết để tìm nguyên nhân. Đồng thời đánh giá lại mặt chủ quan xem cá nhân, tập thể đã cố gắng hết sức chưa?
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Cục THADS Bình Thuận phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ và Tổng cục. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, cấp trên kiểm tra cấp dưới để ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Đắc Phú