Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật).
Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua là liên quan đến vấn đề thể chế.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong năm 2023 và 2024, Chính phủ, Quốc hội đã tập trung tháo gỡ bằng các văn bản, Nghị quyết và triển khai xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi năm 2023).
Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế và đã giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn.
"Có ĐBQH nói rằng tại sao cứ thay đổi như thế? Nhưng, những thay đổi ấy đều mang tính tích cực. Những vấn đề gì vướng mắc trong thực tiễn thì phải thay đổi theo đúng tinh thần: Hoàn thiện thể chế là bước đột phá. Cũng có ý kiến nói rằng "hay ngành y tế không cần đấu thầu mà thích mua thì mua". Điều đó không đúng bởi chúng ta là Nhà nước pháp quyền, thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý chung", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, dự án 1 luật sửa 4 luật có nội dung liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu thuốc của nhà thuốc trong bệnh viện nêu rõ trong tờ trình.
Theo Bộ trưởng, những vướng mắc, khó khăn này đã được Bộ Y tế rà soát trong quá trình làm việc với các địa phương, bệnh viện, cơ sở y tế…
Hiện nay, các cơ sở y tế công lập có triển khai việc tổ chức nhà thuốc bệnh viện để phục vụ mua sắm thuốc của người dân khi danh mục thuốc nằm ngoài danh mục thuốc BHYT, người dân có nhu cầu mua thì có thể mua ở nhà thuốc bệnh viện. Việc người dân mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện đảm bảo về chất lượng thuốc và giá cả.
Theo tư lệnh ngành y tế, trong Luật Đấu thầu (2023) quy định nguồn để mua những thuốc này đều là nguồn thu hợp pháp của bệnh viện, không phải từ ngân sách; không phải từ quỹ BHYT. Nhưng, vướng mắc ở chỗ Luật lại quy định phải đấu thầu như nguồn thu của BHYT.
Khi xây dựng Luật Đấu thầu (2023), Bộ Y tế đã đề xuất nhưng chưa được sự đồng thuận cao. Lần sửa đổi này, trên cơ sở đánh giá thực tiễn và vướng mắc của các bệnh viện công lập thì việc mua sắm đối với nhà thuốc bệnh viện có vướng mắc.
Bà Lan lấy ví dụ nhà thuốc bệnh viện đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của bệnh viện mà không nằm trong danh mục BHYT thì cần phải có và không thể dự trù được nhu cầu đa dạng của người bệnh.
Vì vậy, cứ theo tuần tự là xây dựng kế hoạch đấu thầu từ năm trước rồi triển khai 4-5 tháng mới xong thì không đáp ứng được yêu cầu.
"Đây là những ý kiến các bệnh viện nói về những vấn đề vẫn còn tình trạng thiếu thuốc như thời gian vừa qua", bà Lan nói.
Theo bà Lan, tại dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu lần này đã đưa được nội dung giải quyết vấn đề mua sắm thuốc của nhà thuốc bệnh viện để có những cơ chế đặc thù phục vụ cho người dân.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung mà Bộ Y tế còn băn khoăn đó là, để phục vụ nhu cầu bệnh nhân thì bệnh viện cần rất nhiều thứ như bỉm, sữa, xô, chậu… nhưng chưa được điều chỉnh và vẫn phải đấu thầu như bình thường.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất: "Chúng ta nên có một cơ chế đặc thù để giải quyết đồng bộ, tránh trường hợp chính sách ban hành rồi mà vẫn có ý kiến kêu rằng không thực hiện được hoặc không phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp phù hợp để phục vụ nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân trong bệnh viện".