PV: Có thể thấy việc nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế là một trong những giải pháp trong việc đổi mới phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế. Vậy Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo” nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải được gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ y tế. Bộ Y tế đã quan tâm và tiếp tục thực hiện:
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại...
Quan tâm, triển khai thực hiện lộ trình nâng giá viên phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính.
Hướng dẫn, yêu cầu các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.
Việc triển khai, yêu cầu cán bộ y tế phụ vụ tốt, có tinh thần trách nhiệm với quyền lợi của từng cá nhân.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong năm 2017, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2017, tiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố. Dự kiến thực hiện vào quý I, đầu quý II/2017.
Đối với đối tượng không có thẻ BHYT: hiện nay vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá KCB BHYT nên nhiều người chưa tham gia BHYT.
Theo Nghị định 16 của Chính phủ thì đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.
Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền, khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu..
PV: Với chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ” ở giai đoạn mới này, với tư cách tổng tư lệnh ngành Y tế, Bộ trưởng có thể cho biết những dự kiến về bước tiến mới của ngành y tế trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Về kiến tạo, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để hoàn chỉnh hệ thống các luật, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của ngành y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo hành lang pháp lý để các đơn vị hoạt động cũng như thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế.
Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong số những kết quả mà ngành y tế đạt được khi thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Bộ trưởng hài lòng với những kết quả nào và điều gì còn khiến Bộ trưởng trăn trở? Những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2017 là gì? Các giải pháp và những khó khăn, thách thức nào phải đối mặt?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong các kết quả thì tôi thấy nhiều điều hài lòng như:
Qua việc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp thì bộ mặt của các bệnh viện đã có bước chuyển biến mới, cơ sở xanh, sạch, đẹp hơn, quy trình khám, chữa bệnh đã từng bước được đơn giản, giảm thời gian chờ của người bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ đã tốt hơn trước, khi đi kiểm tra đột xuất tại một số bệnh viện, nhiều người bệnh đã nói với tôi như vậy, chất lượng khám, chữa bệnh đã được nâng cao, tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện huyện, tỉnh đã tăng được công suất sử dụng giường.
Các tỉnh, thành phố rất ủng hộ và quyết tâm cùng Bộ Y tế sắp xếp, kiện toàn hệ thống các đơn vị sự nghiệp y tế từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh giản đầu mối nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là tuyến cơ sở và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là cơ sở để đổi mới, thay đổi hoạt động của trạm y tế xã theo hướng thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân.
Toàn ngành đã làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch, không để dịch lớn xảy ra ở các vùng mưa lũ, hạn hán. Hiện nay chúng tôi đang tích cực chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh miền Trung bị lũ lụt như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi...
Một vấn đề nữa là Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, ngành y tế, BHXH cố gắng quan tâm đến sức khỏe nên đã có 80,8% dân số có BHYT.
Các vấn đề còn trăn trở như nói trên đó là: chất lượng dịch vụ KCB tăng, quá tải giảm, thái độ phục vụ có tốt lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, người dân còn phàn nàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế chưa cao…
Các nhiệm vụ chính cần triển khai:
1. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
2. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế theo đúng mô hình CDC và trung tâm y tế huyện 2 chức năng.
3. Đổi mới hoạt động của y tế cơ sở, triển khai mạnh mô hình bác sỹ gia đình tại các khu vực thành thị, triển khai theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng cá nhân tại các trạm y tế xã, quản lý các bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em… tại cộng đồng.
4. Đổi mới cơ chế quản lý, quản trị bệnh viện công; hoàn thành, đưa vào sử dụng 05 bệnh viện trung ương và tuyến cuối. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 93 của Chính phủ để tăng đầu tư cho y tế; thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trong y tế. Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, nhân rộng mô hình thí điểm phương thức thanh toán BHYT theo định suất và trường hợp bệnh.
5. Đổi mới đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế …
6. Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh;
7. Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện tốt việc đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, đàm phán giá thuốc để giảm giá thuốc.
8. Phát triển hệ thống thông tin y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ.
Trong những nhiệm vụ trên, nhiệm vụ nào cũng quan trọng nên đều phải tập trung chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và các nhiệm vụ đặt ra đều đạt được những thành quả rõ rệt. Tuy nhiên kết quả đạt được mà nhiều người dân quan tâm và biết đến là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đã được cải thiện đáng kể, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên đã giảm một cách trong thấy, sự hài lòng của người bệnh đã được nâng cao.
Ngành y tế đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục đầu tư, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến, kết hợp nhiều hơn giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại thông qua việc đổi mới hệ thống, luân phiên cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng – hiệu quả và chất lượng bền vững. Song ngành vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua, trong đó:
1. Nguồn ngân sách cho y tế còn hạn hẹp, các dự án ODA ngày càng giảm mạnh trong khi nhu cầu bệnh viện, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, việc đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn xã hội hóa công tác y tế đã được triển khai nhiều năm và có kết quả đáng khích lệ, song việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức quản lý, tái đầu tư cho y tế còn là những vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện.
2. Về giảm quá tải BV và nâng cao sự hài lòng của người bệnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số nơi, một số cán bộ y tế chưa có chuyển biến tốt nên vẫn còn hiện tượng làm người bệnh không hài lòng. Qua đợt kiểm tra một số bệnh viện, cũng đã kỷ luật một số cán bộ y tế thuộc bệnh viện trung ương. Do đó công tác truyền thông, giáo dục y tế và thanh tra, kiểm tra y tế cần phải tiến hành thường xuyên và phải nâng mức kỷ luật đối những cán bộ cố tình làm sai trái quy định và đạo đức của ngành.
3. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề nan giải cần có sự tham gia của tất cả xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Huệ