Dư luận đang băn khoăn đặt nhiều câu hỏi về việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định có hai vị trí là Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng có mối quan hệ cha con.
Theo đó, Chi cục trưởng là ông Nguyễn Hiếu Hòa, trong khi con gái ông Hòa – bà Nguyễn Thị Anh Nguyên làm Phó chi cục trưởng.
Chuyện cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh em cùng một gia đình bổ nhiệm nhau vào các vị trí lãnh đạo không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, sau tất cả kiểm tra, mọi việc đều đúng quy trình dù dư luận có nhiều nghi ngại. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Khá xung quanh vấn đề này.
- Bà có suy nghĩ như thế nào về chuyện bố làm Chi cục trưởng, con làm Phó chi cục trưởng ở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định mà báo chí phản ánh?
Bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh em bổ nhiệm nhau làm lãnh đạo cùng một cơ quan, đơn vị không còn là việc hiếm. Khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra thì đều có phản hồi là đúng quy trình. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, cha mẹ và con, anh em, vợ với chồng thì không nên cùng làm lãnh đạo trong một cơ quan, dù có đúng quy trình.
Chẳng lẽ, việc làm trong tỉnh lại hiếm có đến mức, người có năng lực không đủ chỗ làm nên người thân cứ phải vào cùng một cơ quan và cùng ở vị trí lãnh đạo như vậy?
Nếu người con có năng lực thực sự, một chức vụ nào đó ngang tầm và ở một cơ quan khác thì không tốt hơn sao? Tại sao cứ phải ở chung một cơ quan khiến dư luận xôn xao.
-Có ý kiến cho rằng, người cùng một nhà dễ nảy sinh tham nhũng quyền lực hơn vì có sự nể nang tình thân ruột thịt. Quan điểm của bà thế nào?
Người trong nhà với nhau, chồng làm trưởng, vợ làm phó hay bố làm trưởng, con làm phó, khi có vấn đề cần biểu quyết sẽ thường không được công bằng. Cấp trưởng bổ nhiệm cấp phó là con mình, vợ hay em mình, quy trình đúng thì cũng là từ mình mà ra.
Bởi, chồng phân công công việc cho vợ, bố phân công công việc cho con sẽ không khách quan.
Tôi thấy cần chỉ đạo dứt khoát, một người làm lãnh đạo trong cơ quan thì không cho người thân cùng làm ở vị trí lãnh đạo. Công việc không thiếu, không phải chỉ có mỗi một cơ quan để anh em người nhà phải vào đó làm việc.
Người nhà cũng làm việc, đặc biệt cùng làm lãnh đạo dễ nảy sinh tham nhũng quyền lực hoặc du di cho nhau trong những sai phạm. Khi có sai phạm, thử hỏi người nhà có dám đóng góp ý kiến thẳng thắn để kỷ luật nhau hay không. Nếu người nhà có vi phạm lại du di rồi chuyển sang chỗ khác là xong. Chỗ khác ấy có khi lại tốt hơn chứ không có xử lý kỷ luật gì.
Do vậy, tôi thấy tốt nhất là không để xảy ra tình trạng này.
-Nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối việc bố trí người thân trong cùng một cơ quan, nhất là ở vị trí lãnh đạo nhưng hiện tượng này được dư luận báo chí phát hiện và phản ánh ngày càng nhiều. Theo bà, giải pháp nào cho vấn đề này?
Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan cao nhất của Đảng cần có văn bản chỉ đạo rõ, tuyệt đối không bố trí người thân trong cùng một cơ quan, đơn vị chứ không chỉ là một số vị trí như quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.
-Nếu còn làm đại biểu Quốc hội khóa này, cá nhân bà có đưa vấn đề này ra chất vấn trong kỳ họp tới? Bà hy vọng những hành động gì ở các đại biểu đương nhiệm trong vấn đề này?
Chắc chắn là tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, vì đây là cơ quan tham mưu về vấn đề này. Tôi hy vọng trong kỳ họp tới đây, các đại biểu sẽ tích cực lên tiếng và chất vấn thẳng thắn vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội.
-Trân trọng cảm ơn bà!
Dương Thu (thực hiện)