Phát biểu giải trình các vấn đề mà ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/11 về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có 10 phút, nhưng đã nói 18 phút.
Trong đó, Bộ trưởng tập trung giải trình về những khó khăn, giải pháp để phát triển công nghiệp, thương nghiệp, xử lý giải quyết 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ và các dự án khác có khả năng phát sinh thua lỗ, về tình hình chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng...
Bộ trưởng cho biết, về nội dung buôn lậu, gian lận thương mại như ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) và nhiều đại biểu khác đã nêu, không chỉ là mặt hàng thuốc lá mà còn hàng loạt các mặt hàng khác như đường, phân bón… Đây đều là những mặt hàng có yếu tố lợi nhuận cao trong các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.
Bộ trưởng chỉ rõ, hàng loạt địa phương tiếp tục là địa bàn nóng về tình hình này. Riêng về thuốc lá, không chỉ có Long An, An Giang mà còn Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều địa bàn khác. Thời gian qua, ban Chỉ đạo 389 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã có hàng loạt biện pháp để khắc phục tồn tại.
“Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hạn chế, tồn tại về khuôn khổ pháp luật như các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, điều luật và văn bản hướng dẫn về chế tài các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật. Vì lợi nhuận trong gian lận, buôn lậu cao nên các đối tượng tiếp tục cấu kết tổ chức buôn lậu tinh vi, có hệ thống, không còn giới hạn trong phạm vi địa lý của một vài địa phương mà trong toàn quốc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng liên ngành chống buôn lậu từ công an đến biên phòng và hải quan, quản lý thị trường còn chưa chặt chẽ và thường xuyên dẫn đến hiệu quả, hiệu lực đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu.
“Ví dụ như ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã nêu, thậm chí có rất nhiều thời gian không thấy bóng dáng của các lực lượng chuyên ngành, liên ngành trong đấu tranh phòng chống buôn lậu. Đây cũng là thực tế”, Bộ trưởng nói.
Việc đứt khúc và phân khúc trong chỉ đạo điều hành của các lực lượng chống buôn lậu, trong đó có quản lý thị trường cũng là một trong những tồn tại của công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Do việc lực lượng quản lý thị trường hoạt động trực tiếp tại địa phương có sự chỉ đạo, điều hành của địa phương nên dẫn đến sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao, chưa có hiệu quả.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu ra nhiều giải pháp như tăng cường lực lượng liên ngành, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, điều chỉnh chế tài xử lý buôn lậu… để góp phần giải quyết triệt để vấn đề này.
Trước đó, khi phát biểu ý kiến thảo luận sáng 31/10 cùng về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã nêu thực tế “nhập vai” mục sở thị thực tế buôn thuốc lá lậu rất sôi động ở một số địa phương và khẳng định: “Trong 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không gặp lực lượng nào.
Tôi không phủ nhận những kết quả cũng như cố gắng của lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng tôi muốn nói thực tế chuyến đi, nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là từ giờ đến Tết Âm lịch”.