Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường và của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 28/6/2023.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng tham dự các hoạt động tại Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp nhau trực tiếp.
Chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai những nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phấn đấu đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc lần này mang lại nhiều kết quả quan trọng và thực chất.
Về kinh tế thương mại, người đứng đầu Chính phủ hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước; Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho hàng nông sản của Việt Nam; nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan. Đây là văn kiện quan trọng, đánh dấu hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực quản lý thị trường, thiết lập cơ chế tăng cường hợp tác, điều phối giữa Bộ Công Thương với cơ quan đối tác Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng tháp tùng Thủ tướng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hỗ Ninh, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên bày tỏ vui mừng trước đà phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc coi trọng các đề xuất hợp tác của Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ngành; mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu, mong muốn hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng tháp tùng Thủ tướng trong các hoạt động của WEF, tiếp xúc song phương với Thủ tướng New Zealand, Barbados và Mông Cổ, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, tiếp các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, đồng thời sẽ có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc La Văn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 (xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm 15% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới); nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022 (nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới).
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.