Sáng 18/4, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trả lời ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về vấn đề quy tập và xác định danh tính liệt sỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Day dứt nhất, đau lòng nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề này”.
Hiện nay, theo số lượng của quân đội, cả nước còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ đang nằm rải rác ở các nơi, chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó, ở phía Bắc nhiều nhất là Hà Giang, Vị Xuyên; miền Trung, miền Nam và các nước bạn.
Vừa qua, Thủ tướng trực tiếp chủ trì một cuộc họp về vấn đề này và Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng bộ Quốc phòng và Bộ trưởng LĐTB&XH làm Phó ban. Cả nước hiện có khoảng 20 đội chuyên làm công tác quy tập liệt sỹ, làm việc thường xuyên.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đã cố gắng, cùng các nước bạn, với nhân dân giúp phát hiện nhiều mộ liệt sỹ. Tính đến 1/1/2017, chúng ta tiếp tục quy tập được 8.000 hài cốt quy tập về nghĩa trang liệt sỹ.
“Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cũng hứa với Quốc hội, hứa với Thủ tướng cố gắng phấn đấu quy tập càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì chiến tranh đã qua lâu, càng để lâu sẽ càng không còn cơ hội tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về xác định danh tính liệt sỹ mà ĐBQH Đinh Duy Vượt đề cập, Bộ trưởng cũng cho biết thêm: "Bộ LĐTB&XH đang tập trung đề án số 150 xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Hiện theo số liệu thống kê, còn khoảng 300.000 liệt sỹ chưa rõ danh tính. Các anh có tên, tuổi, quê quán nhưng chưa được xác định. Theo đề án này, chúng ta đang tiến hành nhiều giải pháp để xác định danh tính. Nhưng giải pháp chính là xác định gen. Vừa qua, chúng ta đã xác định được hơn 3.260 danh tính, tức là trả lại tên được 3.260 tên cho các anh, đã đưa tên tuổi, danh tính này về với các gia đình, thân nhân liệt sĩ.
Để giải quyết được danh tính này, chúng ta đã phải lấy kê mẫu sinh phẩm của trên 12.000 mẫu sinh phẩm. Con số cũng tương đương số này mẫu sinh phẩm của gia đình. Bởi một mẫu sinh phẩm của liệt sỹ về với gia đình phải đối chiếu rất nhiều trường hợp".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện nay, Chính phủ đang giao cho 3 đơn vị chuyên về xác định gen, trong đó là quân đội, công an, viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Bộ đang đề nghị Chính phủ cho phép bộ Y tế và một số cơ sở nữa, có thể 6 cơ sở để mở rộng.
"Để tiến hành lâu dài, bên cạnh lấy mẫu sinh phẩm, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lập ngân hàng gen. Sau này, tất cả các mẫu sinh phẩm đã lấy có gen, các gia đình chủ động tự mình đến đối chiếu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu giải pháp.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, 24 đại biểu đăng ký chất vấn, 16 đại biểu trực tiếp hỏi và Bộ trưởng trả lời tại hội trường. Do hết thời gian, còn 8 đại biểu sẽ gửi câu hỏi cho Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao nhất những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. "Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề và không có ĐBQH nào phải chất vấn lại", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh. Ủy ban Thường vụ đánh giá cao phần trả lời nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị của Bộ trưởng bộ LĐTB&XH và các Bộ trưởng có liên quan khi trả lời các câu hỏi đại biểu nêu ra.
Đặc biệt, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cho thấy, thời gian qua, chúng ta đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thực thi chính sách ưu đãi đối với người có công; giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thực thi chính sách... Đây là những điều cử tri mong mỏi nhiều năm đã được giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Dương Thu