Tham gia chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sáng 6/6, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nêu quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nước ta có quy mô lao động lớn, nên tình trạng thiếu việc làm là có. Trong đó, bình quân tỉ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%. Theo Bộ trưởng, đây vẫn là một tỉ lệ thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
“Nếu nhìn lại thời gian qua, ở thời điểm ngày 11/1/2021, khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp chúng ta ở nhóm top 5 về tỉ lệ thất nghiệp. Nhưng đến thời điểm này, tỉ lệ thất nghiệp của chúng ta chỉ là 2,25% trong quý I/2023, nếu so với thế giới thì mức này vẫn ở ngưỡng thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Bộ trưởng dẫn báo cáo chính thức công bố ngày 26/5 cho biết, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc vào khoảng 506.000, trong đó có 270.000 người mất việc. Theo ông Dung, nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.
Chất vấn bộ trưởng về con số thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho biết, năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa? Giải pháp cho thị trường lao động nước ta trong thời gian tới là gì?
Trả lời, Bộ trưởng khẳng định, con số tỉ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra.
Con số là kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá “thất nghiệp” là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.
Ngoài áp tiêu chí đó, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, những ý kiến đánh giá độc lập, đối soát đánh giá của Tổng cục thống kê cơ bản là trùng nhau.
Dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng thâm dụng lao động nhiều, trong đó giày da, dệt may, túi xách, sản xuất hàng xuất khẩu.
Bộ trưởng chia sẻ đã từng trao đổi với các đại biểu Tp.HCM, thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta không quá bi quan.
“Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000 thì tỉ lệ chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được. Thực tế, năm 2021 cả nước từng lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng Việt Nam đã không để tình trạng đó xảy ra”, Bộ trưởng nói.
Cùng chất vấn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nói không phản đối các con số lao động mất việc, thất nghiệp mà Bộ trưởng nêu ra. Tuy nhiên, sau lưng mỗi lao động mất việc là gia đình và nhiều vấn đề xã hội khác.
"Có ý kiến cho rằng khó khăn mà lao động gặp phải hiện nay còn hơn giai đoạn Covid-19. Vậy giai đoạn hiện nay có cần các gói hỗ trợ trực tiếp lao động như trong đại dịch hay không?", đại biểu hỏi.
Bộ trưởng thừa nhận dù lao động có khoản tích lũy, nhưng thời gian qua đã sử dụng hết nên cuộc sống trở nên khó khăn. "Chúng tôi đang đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng thực trạng, dự báo chính xác từ nay đến hết năm và năm sau để có chính sách dài hạn và ngắn hạn", ông Dung nói, cho biết hiện chưa thể đưa ra chính sách cụ thể.