Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Một số vấn đề băn khoăn
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất rất cao về chủ trương gia nhập Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
“Về một số vấn đề làm rõ hơn và tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để bảo đảm sự tương thích với Công ước số 98. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về quy định tại khoản 2, Điều 26, Luật Công đoàn quy định về tài chính của Công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 2, Công ước số 98 hay không. Cá nhân tôi cho rằng, đương nhiên việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% trên tổng quỹ tiền lương so với Điều 2, Công ước số 98. Đây là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn.
Thứ hai, quy định điều kiện về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Công đoàn quy định như sau: "Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập và gia nhập công đoàn". Quy định này không có sự phân biệt, tách bạch rõ từng loại lao động. Người lao động bình thường và các nhóm khác cũng là người lao động nhưng lại đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động.
Điều này chúng ta hiểu là trong doanh nghiệp, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều là người lao động và là đoàn viên công đoàn, như vậy có bị coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động với tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 2 Công ước 98 hay không? Tức là chủ sử dụng lao động vừa là đoàn viên công đoàn nhưng đương nhiên có quyền được xét kỷ luật đoàn viên công đoàn của mình. Điều này đương nhiên được coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động…”.
ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cũng tán thành Tờ trình của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và thẩm tra đã báo cáo trước Quốc hội.
“Thứ nhất, tôi hiểu rằng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, là người đại diện cho công nhân và lao động. Thế thì tới đây, chúng ta sẽ thành lập các tổ chức đại diện, tức là cho phép các tổ chức dại diện cho người lao động được thành lập. Vấn đề này, cơ sở pháp lý nó là như thế nào? Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rõ hơn về những cơ sở pháp lý trong vấn đề thành lập các tổ chức xã hội ở Việt Nam trong khi thực hiện công ước này, cũng như một số công ước khác mà đồng chí Bùi Sỹ Lợi đã nêu ra.
Thứ hai, nếu như Chủ tịch đoàn điều hành buổi họp hôm nay đồng ý cho phép, tôi xin đề nghị đại diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu ở đây nói rõ về chương trình hành động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khi chúng ta tham gia Công ước này và những công ước có liên quan. Tôi đề nghị Tổng liên đoàn nói rõ đã sẵn sàng chưa, đã chủ động chưa để tham gia vào quá trình hợp tác với các tổ chức xã hội đại diện cho người lao động tới đây, trong đó có sẵn sàng mời người ta tham gia làm thành viên tổ chức của tổ chức Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hay không?”.
Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH tham gia giải trình thêm
Phát biểu tham gia giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thay mặt Ban soạn thảo cũng như Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cùng với Ủy ban Đối ngoại tiếp thu và giải trình với Quốc hội trong phiên thông qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu: “Về ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim đoàn Hải Dương về cơ sở pháp lý nào để chúng ta trình với Quốc hội phê chuẩn Công ước số 98. Trong Tờ trình của Chủ tịch nước cũng như Thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm định của Ủy ban Đối ngoại đã đề cập tương đối rõ vấn đế này.
Thứ nhất, căn cứ vào Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia lập hội và tham gia các tổ chức. Những vấn đề này được quy định cụ thể bằng các văn bản cụ thể hóa Hiến pháp.
Thứ hai, với trách nhiệm là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, chúng ta có trách nhiệm cam kết thực hiện các nội dung liên quan đến quyền công dân, quyền con người cũng như tham gia các tổ chức liên quan. Đặc biệt, Điều 19, Chương XIX của Công ước quốc tế cũng nêu về quyền này rất rõ. Trách nhiệm của chúng ta trong quy định điều lệ của tổ chức ILO có quy định gia nhập hay chưa gia nhập đều phải có trách nhiệm tuân thủ các nội dung liên quan. Việc này thể hiện rất rõ trong 2 công ước của ILO.
Thứ ba, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định thương mại CPTPP, trong Chương XIX về lao động của hiệp định này đã quy định rõ trách nhiệm là: "Các bên tham gia hiệp định sẽ phải thông qua và duy trì trong luật, đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của người lao động, trong đó có quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể theo Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO". Điều 3, Chương XIII thương mại phát triển bền vững của hiệp định AVFTA cũng quy định vấn đề này. Theo đó các bên phải có trách nhiệm tôn trọng, thúc đẩy các tiêu chuẩn về quyền tự do liên kết của ILO. Chúng ta đã phê chuẩn điều này trong kỳ họp trước.
Thứ tư, về cơ sở chính trị trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Trung ương trên cơ sở cam kết tuyên bố của chúng ta đã quy định vấn đề này rất rõ về nguyên tắc có trách nhiệm ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, đảm bảo sự ra đời hoạt động của các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, nhằm đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Những vấn đề này được quy định rất cụ thể trong luật pháp, trong chủ trương quan điểm, đường lối của Đảng cũng như các cam kết mà Việt Nam đã cam kết với tổ chức lao động quốc tế ILO”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giải trình thêm: “Trong báo cáo đã đặt vấn đề rất rõ là nêu bật được những vấn đề khi tham gia công ước có thuận lợi gì? Có mấy vấn đề rất quan trọng như sau: Thứ nhất, để tiến tới chúng ta xây dựng kinh tế thị trường mà hội nhập quốc tế. Thứ hai, thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất. Thứ ba, xây dựng một quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đây là những vấn đề rất lớn, sau này chỉ vì một câu: "Xây dựng quan hệ lao động hào hòa, ổn định tiến bộ" thì lập tức phải sửa một loạt các quy định liên quan để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất như vậy.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị trình Quốc hội tham gia, chúng tôi cũng đánh giá và rà soát đầy đủ những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Trong đó có 2 vấn đề rất lớn, đó là làm sao để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất, nhưng phải giữ vững được quan hệ cũng như ổn định chính trị và xã hội, nhất là khi chúng ta cho việc ra đời các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bên cạnh tổ chức của Tổng Liên đoàn chắc chắn là sẽ gặp những thách thức, khó khăn nhất định. Vấn đề quan trọng làm sao phải biến khó khăn, thách thức đó thành thuận lợi. Đây là vấn đề chúng ta phải đặt ra.
Khó khăn thứ hai, trước đây chỉ có một tổ chức là Tổng Liên đoàn, bây giờ bên cạnh Tổng Liên đoàn còn có thể có một số tổ chức đại diện người lao động, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động, đòi hỏi mối quan hệ thế nào. Tất cả những vấn đề đó phải đặt ra. Chúng tôi cũng đã trao đổi rất kỹ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Thứ ba, với yêu cầu cao như vậy, một số đại biểu đề nghị chúng ta phải có chương trình hành động, kế hoạch hoạt động sau khi chúng ta gia nhập là gì. Hiện nay, chúng tôi đã thiết kế kèm theo bản hồ sơ đã có một kế hoạch hoạt động, ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn thì kế hoạch hoạt động kèm theo là 9 nội dung cho đến khi chúng ta gia nhập.
Phải thiết kế lại đồng bộ Chương XIII về tổ chức đại diện người lao động trong dự thảo bộ luật hiện nay. Tôi hiểu rằng, hiện nay nhiều đại biểu cũng lo lắng khi có nhiều tổ chức người lao động như vậy thì quản lý thế nào. Để bảo đảm cho các tổ chức người lao động hoạt động thực chất, bảo đảm quyền lợi người lao động và doanh nghiệp thì trong thiết kế Điều 13 có 5 vấn đề lớn, trong đó có 3 vấn đề có tính chất nguyên tắc mà buộc chúng ta phải đưa vào luật. Những vấn đề này liên quan đến quyền công dân và quyền của tổ chức. Theo quy định Hiến pháp, đó là quyền được tham gia Luật Tổ chức người đại diện, người lao động. Điều kiện, tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như ban lãnh đạo của các tổ chức người đại diện của người lao động tại cơ sở. Điều lệ, tôn chỉ, mục đích.
Tổ chức Tổng liên đoàn là tổ chức chính trị, xã hội hoạt động trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam. Còn các tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh Tổng liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động đơn thuần về mục đích là quan hệ lao động chứ không hoạt động ngoài phạm vi về mục tiêu quan hệ lao động…
Về hoạt động của Tổng Liên đoàn, về phân biệt Tổng Liên đoàn với tổ chức người lao động khác, Tổng Liên đoàn là tổ chức chính trị xã hội hoạt động theo Hiến pháp và Luật Công đoàn, một số nội dung khác liên quan thì Bộ luật Lao động đã quy định mối quan hệ giữa Tổng Liên đoàn với các tổ chức đại diện người lao động”.
Nhóm PV Quốc hội