Cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 7/11 Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành đối với các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nêu ý kiến, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc Trung học cơ sở.
Trung học cơ sở là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp; trong đó khi kết thúc THPT thì lại thi tốt nghiệp.
Nữ đại biểu đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?
Cũng theo đại biểu, vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT, Bộ có gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Đồng thời, cho biết kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?
Phát biểu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ GD&ĐT có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên.
Tại cuộc gặp gỡ, có hơn 6300 câu hỏi, ý kiến của nhà giáo đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt.
Theo Bộ trưởng, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là vinh dự lớn nên các thầy, cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua.
Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi đối diện với thách thức lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, nhất là giáo viên trẻ, mới vào nghề.
Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Các giáo viên mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.
Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, cấp Trung học cơ sở là giáo dục cơ bản nền, tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.
Lên đến cấp THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông nếu có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang THPT.
Kết thúc THPT, dù là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, nhưng vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông. Kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới.
Vướng mắc trong đào tạo giáo viên
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) nêu câu hỏi, Nghị định số 116 năm 2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên.
Đây là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với sinh viên nhập học. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ đặt hàng là 23/63 tỉnh, thành phố.
Có thể nói, phương thức địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chưa được triển khai ở mức độ và hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề trên trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc thực hiện Nghị định số 116 ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” còn có vướng mắc trong đặt hàng, đấu thấu. Bộ GD&ĐT đã sớm nhận thấy điều này.
Bộ GD&ĐT đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định trên. Hiện, dự thảo đã được xin ý kiến rộng rãi và đang trong giai đoạn hoàn thành để có thể ban hành trong thời gian tới.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 5” như sau: Căn cứ vào số chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT thông báo, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định. Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.
Trường hợp địa phương có nhu cầu giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm thì hằng năm cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng lập dự toán kinh phí đào tạo giáo viên theo định mức quy định tại Điều 4 Nghị định này báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để chi trả hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm qua cơ sở đào tạo giáo viên.
Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước”.