Bộ trưởng GTVT: "Chốt nào vướng mắc Bộ sẽ làm việc ngay với địa phương"

Bộ trưởng GTVT: "Chốt nào vướng mắc Bộ sẽ làm việc ngay với địa phương"

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 6, 17/09/2021 19:31

Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo, kiểm tra hàng ngày toàn bộ hoạt động của các cảng, có bất cứ vướng mắc nào, doanh nghiệp phản ánh để Bộ đôn đốc xử lý ngay lập tức.

Ngày 17/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, theo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), hiện tại, VIMC đang có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng 4.000 thuyền viên. Tuy nhiên số lượng sỹ quan thủy thủ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mới chỉ được 10%.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 4.200 thuyền viên được tiêm vắc-xin tại khu vực cảng biển; số lượng cán bộ công nhân viên làm việc tại cảng biển được tiêm là hơn 19.400 người và có gần 2.500 nhân viên hãng tàu, hoa tiêu, đại lý, dịch vụ hàng hải đã được tiêm vắc-xin.

Kinh tế vĩ mô - Bộ trưởng GTVT: 'Chốt nào vướng mắc Bộ sẽ làm việc ngay với địa phương'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc VIMC cho biết, đặc thù của tàu biển là hoạt động dài ngày, liên tục trên biển. Thuyền viên bị nhiễm Covid-19 trong quá trình hàng hải không thể có điều kiện tiếp cận với cơ sở y tế trên bờ. Sự nguy hiểm không chỉ với một người mà với tất cả 20 - 22 thuyền viên/tàu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi vận chuyển hàng hóa.

“Bộ GTVT cần có ý kiến đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện cho các thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và chấp nhận quy tắc phòng Covid-19 là có thể lên tàu luôn”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinaship Dương Ngọc Tú cũng, cho biết: “Địa phương cần xem xét, nới lỏng quy định về tiêm chủng vắc-xin, chấp thuận cho thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và đi từ vùng xanh có thể di chuyển qua nội tỉnh để phục vụ công tác thay thế”, ông Dương Ngọc Tú nói.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà các doanh nghiệp hàng hải đang gặp phải là tỉ lệ cấp giấy đi đường tại các địa phương hiện quá thấp so với nhu cầu nhân lực. 

Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải có nêu điển hình tại Tp.HCM khi lượng giấy đi đường cấp cho đại lý viên rất hạn chế, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 - 2 người được cấp.

Trong khi đó, việc tiến hành quy định thủ tục về xuất nhập cảnh hay khi tàu gặp sự cố cũng phải cần sự xuất hiện của đại lý để giải quyết.

Vì vậy, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải kiến nghị các cấp chức năng địa phương xem xét, tăng cường cấp giấy đi đường cho đại lý viên đảm bảo điều kiện phòng dịch được ra đường ban đêm giải quyết thủ tục cho tàu thuyền.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cũng thừa nhận, hiện ở Tp.HCM và một số địa phương chỉ cấp 10% giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý,… ảnh hưởng đến quá trình giao nhận, làm tăng nguy cơ tồn hàng tại cảng.

Xây dựng kế hoạch mở lại hoạt động vận tải

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hải dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh nhưng đã duy trì được khai thác.

Nhấn mạnh về vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng lao động trong chuỗi vận tải, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến dây chuyền xuất nhập khẩu hàng hóa. 

“Các cấp chức năng địa phương cũng cần xem xét lại vấn đề cấp giấy đi đường. Hoạt động tại cảng biển là đặc thù, để duy trì được phải có đủ lực lượng từ hải quan, cảng vụ, y tế, lái xe, đại lý giao nhận đến công nhân,… Tỉ lệ cấp giấy đi đường phải đạt mức 70 - 80% để đảm bảo đủ nhân lực tham gia khai thác tại khu vực cảng chứ không thể chỉ ở mức 10 - 20% như hiện nay”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết, hiện tại, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch mở lại hoạt động vận tải.

“Kế hoạch này sẽ ưu tiên những những người đã được tiêm vắc-xin hoặc được điều trị dịch bệnh thành công tham gia chuỗi vận tải với lộ trình nới lỏng, mở rộng dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, giúp cho công nhân, chuyên gia đi lại thuận lợi nhất có thể”, Bộ trưởng cho biết và cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho công tác thay thế thuyền viên, nhất là những người đã được tiêm vắc-xin.

“Nếu cần thiết, địa phương có thể thành lập tổ công tác xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lực lượng thuyền viên trước khi xuống tàu. Nếu không có cơ chế mở, tâm sinh lý của thủy thủ sẽ chịu tác động rất lớn nếu phải ở trên tàu dài ngày, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32 trong đó miễn giảm nhiều loại phí hàng hải.

Trường hợp cần miễn giảm thêm chi phí gì, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tiếp tục đề xuất. Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp.

Kinh tế vĩ mô - Bộ trưởng GTVT: 'Chốt nào vướng mắc Bộ sẽ làm việc ngay với địa phương' (Hình 2).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch mở lại hoạt động vận tải. (Ảnh minh họa)

“Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo, kiểm tra hàng ngày toàn bộ hoạt động của các cảng, bất cứ nội dung nào vướng mắc liên quan đến vận tải, doanh nghiệp cần phản ảnh ngay đến đường dây nóng để Bộ GTVT đôn đốc xử lý ngay lập tức. Chốt nào vướng mắc Bộ sẽ làm việc ngay với địa phương đó, tuyệt đối không để ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hàng hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, đề xuất Bộ tham mưu chính phủ phương án quản lý giá cước, phụ thu giá vận tải tại Việt Nam.

Hiện nay, website của Bộ, Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ cũng đã niêm yết toàn bộ chi phí để doanh nghiệp có thể tham khảo trên đó như một sàn chi phí logistics, đảm bảo thị trường vận tải bằng đường biển được công khai, minh bạch ở mức tối đa.

Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 54,5 triệu tấn, tăng 5%; luân chuyển hàng hóa đạt 111,6 triệu tấn.km, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020;

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 8 tháng năm 2021 đạt hơn 481 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 8 tháng năm 2021 đạt gần 16,7 triệu TEUs tăng 18% cùng kỳ năm 2020.

Trước ý kiến lo ngại về việc giá cước vận tải container tuyến quốc tế tăng cao gây bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang khẳng định: “Sự tăng giá vận chuyển container hiện nay diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam, điều đáng mừng là các phụ thu đối với hàng hóa vẫn không bị tăng. Cảng biển cũng đang áp dụng thu giá dịch vụ ở mức giá sàn, giúp chủ hàng tránh phát sinh chi phí”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.