Đưa thị trường đến tận vườn cây, ao cá
Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những năm vừa qua, nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới.
Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ nhất là các công nghệ số mới hiện nay, ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất kinh doanh... sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Trước bối cảnh đó, chiều 14/5, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Chuyển đổi số không phải điều gì xa xôi mà rất đỗi giản đơn, đời thường, ai cũng có thể tự mình tiếp cận, thực hiện".
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là động lực để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lan tỏa giá trị đến từng đối tượng, đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, đưa chợ về vườn, đưa thị trường đến tận ao cá, vườn cây.
“Điều gì đo lường được thì quản lý được, cải tiến được. Bên cạnh các phần việc đã làm, số hóa, chuyển đổi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn với nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế vẫn chưa được giải quyết thấu đáo”, Bộ trưởng Hoan nói.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế
Với chủ đề “Đẩy mạnh số hóa nông nghiệp: Lấy người dân là trung tâm và động lực phát triển”, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số Bộ NN&PTNT chia sẻ, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành.
Đồng thời, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống CSDL quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ từ đó làm cơ sở cho việc phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác phục vụ chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Toản cho biết, chuyển đổi số ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật, hạ tầng số, thương mại nông sản qua môi trường số.
Đáng chú ý, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến các ngành, các lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức, tri thức chuyên sâu; thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin.
Dưới góc nhìn của các hiệp hội, ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thẳng thắn thừa nhận: “Chuyển đổi số trong công nghiệp gỗ còn rất hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng ở việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp thị và bán hàng”.
Từ đó, doanh nghiệp gỗ Việt mong muốn tích hợp các công nghệ số, đặc biệt là trong quá trình chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ, cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng và thị trường mới và tối ưu hóa các công đoạn để đạt hiệu quả cao hơn.
Đi sâu vào một số khía cạnh quan trọng của chuyển đổi số trong ngành gỗ, ông Hoài chỉ ra rằng cần thúc đẩy quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo gỗ hợp pháp, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện EUDR.
“Doanh nghiệp gỗ rất khó có thể đáp ứng các cam kết theo VPA/FLEGT và cả những quy định gần đây của EUDR về tăng cường thực hành trách nhiệm giải trình và cung cấp bằng chứng tọa độ địa lý, nếu không ứng dụng công nghệ số”, ông Hoài nói.
Song song với đó, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng thương mại điện tử, tạo dựng chuỗi cung ứng gỗ Việt để tránh rủi ro phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu nước ngoài và tăng hiệu quả công nghiệp gỗ. Đồng thời, tăng cường quản trị doanh nghiệp và quản lý chuỗi cung ứng thông minh để tăng năng lực phòng vệ thương mại.
Đưa ra đề xuất, Phó Chủ tịch VIFOREST mong muốn Chính phủ quan tâm ứng dụng công nghệ số để tiếp thị sản phẩm gỗ Việt ở tầm quốc gia khi Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến/ thương mại gỗ tốp đầu thế giới. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh công nghiệp gỗ Việt phát triển có trách nhiệm, tuân thủ các quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng.
Trong bối cảnh doanh nghiệp ngành gỗ phải đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất ngày càng tăng, ông Hoài bày tỏ: “Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi sản xuất xanh, thương mại xanh là điều cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới đối với quản trị rừng và thương mại sản phẩm gỗ”.