Quốc hội dành cả ngày 30/5 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với tư cách là cơ quan chủ trì được Quốc hội đánh giá là có nhiều rất cố gắng trong phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Làm không tốt sẽ dẫn đến thất bại
Là Bộ trưởng cuối cùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề trên để giám sát tối cao trong năm 2022 là một quyết định rất đúng đắn, sát thực tiễn và kịp thời, là sự đồng hành và động viên lớn của Quốc hội đối với Chính phủ, vì mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh phát triển.
Theo ông Dũng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch có tầm quan trọng chiến lược, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Luật Quy hoạch đã thiết lập Hệ thống quy hoạch quốc gia, gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, tương ứng với việc cắt giảm 97% số quy hoạch cần lập từ cấp tỉnh trở lên.
Trên toàn hệ thống (bao gồm cả các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành), số lượng quy hoạch cần lập giảm 6.411 quy hoạch so với trước đó.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Điều này có thể thấy, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt thông qua các hội nghị trực tuyến toàn quốc, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng để triển khai lập quy hoạch các cấp và đã có 45/111 quy hoạch được lập xong, trong đó đã trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phê duyệt theo thẩm quyền được 7/111 quy hoạch.
Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kết quả trên chỉ là bước đầu. Những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch là rất lớn do khối lượng công việc rất nhiều, với những vấn đề rất mới từ hệ thống quy hoạch, khái niệm quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận và phối hợp trong lập quy hoạch, cũng như những sự thay đổi sâu sắc hơn về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên cấp.
Nhận định công tác giám sát của Quốc hội đã diễn ra khách quan, cẩn trọng, khoa học, chỉ ra được những kết quả đạt được, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập thì việc lập, phê duyệt các quy hoạch chậm còn do triển khai thực hiện giai đoạn đầu chưa quyết liệt, việc tổ chức thực hiện còn tồn tại, hạn chế.
Với quan điểm và kinh nghiệm trong quá trình lập quy hoạch thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho hay sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đẩy mạnh một số nội dung.
Trong đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch trong sự phát triển đối với từng các ngành, lĩnh vực và địa phương cũng như của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu; phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022, 2023 để đầu tư tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, đầu tư vào công tác quy hoạch.
Tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch trên và thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Đặc biệt, công tác quy hoạch phải có tính dẫn dắt trong việc cụ hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ và các địa phương; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng của quy hoạch; phấn đấu hoàn thành lập quy hoạch cấp quốc gia trong năm 2022 để cơ bản định hình khung phát triển chính của quốc gia, tạo đà phát triển chung và là căn cứ cho các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Cuối cùng, tập trung giải quyết về cơ bản tồn tại, vướng mắc về kinh phí, quy trình thủ tục theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục và tăng cường phân cấp, gắn với theo dõi, đánh giá chặt chẽ việc tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch…