Ngày 13/11, tại Hà Nội, bộ TT&TT tổ chức diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” với mục đích để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đưa ra giải pháp phát triển ngành báo chí Việt Nam.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo, các chuyên gia trên cả nước với nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Sự kiện này cũng chính thức khởi động nhằm thực hiện sáng kiến “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024”.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, Cục trưởng cục Báo chí Lưu Đình Phúc nêu ra những thách thức của báo chí hiện nay, đặc biệt là việc sụt giảm nguồn thu.
“Phát hành báo in giảm mạnh, thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam phần lớn rơi vào tay doanh nghiệp công nghệ nước ngoài: Facebook, Google… Để đối phó với doanh thu suy giảm, báo chí phải chạy theo tăng trưởng pageview bằng việc câu view, tăng tần suất xuất bản thông tin tầm phào…, đánh mất tôn chỉ mục đích”, ông Lưu Đình Phúc cho hay.
Từ những thách thức trên, Cục trưởng Lưu Đình Phúc bày tỏ, báo chí cần phải đồng lòng, tấn công vào công nghệ để giành lại ưu thế.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Báo chí sản xuất tin tức, nội dung nhưng doanh thu lại càng ngày càng đi về phía các công ty công nghệ. Các mạng xã hội nước ngoài đã lấy đi hơn nửa nguồn thu của báo chí hiện nay. Vậy công nghệ có lấy đi mất nghề báo không?
Nếu nghĩ nghề báo viết về ai làm gì, ở đâu và khi nào thì có thể, vì mạng xã hội có hàng nghìn cộng tác viên sẽ làm điều này tốt hơn. Nhưng nếu nghĩ nghề báo là định hướng dư luận, tìm ra cái gì đứng sau những dữ liệu về ai, làm gì, khi nào và ở đâu mới là việc của báo chí, mới là điều quan trọng thì khi đó báo chí lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Sứ mệnh của báo chí là khai sáng cho độc giả. Khi độc giả đang chìm trong biển cả dữ liệu, đang mong chờ báo chí hơn bao giờ hết.
Và thời đại kỹ thuật số tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những dữ liệu quan trọng, dẫn đến những phóng sự điều tra mang tính đột phá, khả năng tiếp cận những kho báu kiến thức chỉ bằng một cái kích chuột”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nêu ra thách thức công nghệ đối với báo chí: “Đứng trước những thách thức khác nhau, nhu cầu sử dụng công nghệ, nhiều cơ quan báo chí nói rằng “họ đã bỏ cuộc, họ chưa bắt đầu” nhưng chúng ta không thể không bắt đầu, phải đốt đuốc đi tìm đường”.
“Công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới, vì thế quá trình tìm tòi lời giải cho công nghệ song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí… Có thể, những người làm báo nghĩ rằng, công nghệ mới thì phức tạp, mà không nghĩ rằng công nghệ phức tạp nhưng lại làm cho việc làm nghề đơn giản hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, mà còn có thể phát triển các Platfoms, các ứng dụng cho báo chí.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp VT-CNTT và các doanh nghiệp công nghệ số chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và cũng là vì sự phát triển của chính mình.
“Chọn nghề báo cũng là đã chọn cho mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn vì lợi ích cộng đồng. Nghề báo là nghề có tiêu chuẩn đạo đức rất cao vì tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch. Bởi vậy, bộ TT&TT luôn coi trọng đào tạo vì một nền báo chí xuất sắc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” đã diễn ra nhằm tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.
Hà My - Trần Hạnh