Bên cạnh bán đảo Sơn Trà, cấp phép bài hát, vấn đề tác quyền, năng lực cán bộ ngành văn hóa… thì một nội dung được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, chất vấn Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chính là trường hợp học sinh đuối nước thương tâm ở Bình Định.
Trong phần nội dung chất vấn của mình, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, một ngày sau ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, báo chí đăng một tin làm nhiều người rất xót xa đau lòng là 4 ông cháu ruột ở huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định bị đuối nước.
Theo báo cáo của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm nước ta có 6.400 người bị đuối nước, trong đó có 3.500 trẻ em. Trong các nguyên nhân trẻ em bị đuối nước thì có tỷ lệ lớn do không biết bơi hoặc không có kỹ năng xử lý tình huống nên có nguy cơ đuối nước. Vấn đề dạy bơi, học bơi đã được đặt ra nhiều năm nhưng con số trẻ em bị đuối nước vẫn không giảm.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu hỏi: “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đối với con số đau lòng này?”.
Trả lời sự quan tâm của ĐBQH và cử tri cả nước về vấn đề đuối nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Có thể nói đây là vấn đề nhức nhối của xã hội và rất đau lòng khi tôi làm nhiệm vụ thể thao mà lại để cho học sinh không biết bơi và chết đuối rất nhiều như đại biểu vừa nêu”.
“Đây là một nỗi đau của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm: “Năm vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng cục Thể dục, thể thao phải làm việc cụ thể để có giải pháp khắc phục tình trạng này. Chúng tôi đã có một văn bản ký kết buổi làm việc với lãnh đạo bộ Giáo dục và Đào tạo để có các giải pháp làm như thế nào đào tạo cho các học sinh của chúng ta biết bơi.
Các giải pháp tổ chức các bể bơi như thế nào, nhất là các vùng thuận lợi. Vấn đề này chúng tôi đã có kế hoạch rồi, nhưng để rõ ràng cho học sinh của chúng ta biết bơi không thể là một ngành thể thao hoặc giáo dục làm được.
Tôi cũng đề nghị cả xã hội, đặc biệt là gia đình có con em của chúng ta làm thế nào để mình tạo điều kiện cho con em đi học bơi và biết bơi, đó là cách tốt nhất để bảo vệ con em của chúng ta”.
ĐBQH Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) quan tâm đến vấn đề lễ hội. Ông hỏi Bộ trưởng: “Thống kê của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mỗi năm nước ta có tới gần 8.000 lễ hội dân gian và hội làng, tức là trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 22 lễ hội và mỗi 1 giờ trung bình có 1 lễ hội diễn ra, có phải là đã quá nhiều so với đời sống của chúng ta hiện nay hay không? Trong thời gian qua ngành văn hóa có quá dễ dãi trong việc cho phép và quản lý lễ hội không? Xin Bộ trưởng cho biết sẽ có chính sách gì, giải pháp nào để cải thiện về tình trạng lễ hội hiện nay”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Có thể nói rằng, nếu những lễ hội đó góp phần vào xây dựng bảo tồn phát triển văn hóa của dân tộc, những lễ hội tốt đẹp tôi nghĩ rằng không nhiều nhưng nếu có những lễ hội không phù hợp, không tốt, không phản cảm thì có lẽ nhiều”.
Bộ trưởng cũng phân tích, lễ hội hình thành rất nhiều. Chủ yếu là lễ hội dân gian, khoảng 88%. Có một số lễ hội sau này như lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, quảng bá xúc tiến thương mại thể thao và du lịch, rồi một số lễ hội nước ngoài nhưng chủ yếu là lễ hội dân gian…
“Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ sắp tới sẽ ban hành một Nghị định quy định quy hoạch lễ hội như thế nào và tần xuất tổ chức lễ hội ra làm sao”, “tư lệnh” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin tới đại biểu và cử tri đang theo dõi Kỳ họp thứ 3 được truyền hình phát thanh trực tiếp như vậy.
Cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chưa rõ nội dung vấn đề đại biểu nêu, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến lễ hội.
ĐBQH cho hay, Quốc hội đưa ra diễn đàn nhiều nhiệm kỳ, đại biểu Hùng đã chất vấn, Bộ trưởng nói chưa rõ. Ngoài chuyện tràn lan, thiếu kiểm soát và lãng phí tiền của ngày, giờ, thời gian lao động thì một số lễ hội còn tổ chức quy mô quá lớn, thời gian tổ chức kéo dài, mạnh địa phương nào, địa phương đó tổ chức.
Một số lễ hội dân gian như Bộ trưởng nói lễ hội chém lợn, đâm trâu, cướp lộc gây phản cảm, làm méo mó và làm xấu đi nét truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó ở một số lễ hội, còn xảy ra hiện tượng bạo lực, đánh nhau, trộm cắp, mê tín, cờ bạc, rượu chè, lợi dụng để thu tiền trái phép.
“Có thể nói đó là buông lỏng quản lý, nói buông lỏng quản lý luôn đúng. Vậy thì vấn đề ở đây là trách nhiệm của địa phương đến đâu và trách nhiệm của bộ quản lý ngành là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến đâu? Tôi đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do thời gian phiên chất vấn ngày 13/6 đã hết, câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương và một số đại biểu khác tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời vào sáng 14/6.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vẫn tiếp tục nóng bởi phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày với nhiều nội dung được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Dương Thu