Sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.
Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, các phiên chất vấn trong kỳ họp được tiền hành theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, mỗi lượt có khoảng 3-4 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn. Đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng kỳ vọng phiên chất vấn sẽ diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, trong 3 ngày chất vấn sẽ có sự tham dự của 86 học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khoá XIII.
Trong nửa đầu buổi sáng, có 20 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận các vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất do Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Minh Hưng, Bộ trưởng bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia trả lời.
Trả lời đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng...
Ông Cường cũng thừa nhận: "Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá".
Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho biết: "Nền kinh tế thị trường cũng rất khó, không ai dự báo được ngày mai, cái gì, giá cả thế nào".
Lấy ví dụ về việc thừa hạt tiêu, ông Cường cho hay, Việt Nam có khả năng cung cấp 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% thế giới. "Nhiều thì thừa là tất yếu", ông nói. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã tìm giải pháp, bàn với địa phương là tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định.
"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quan điểm này của ông được ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) không đồng tình.
Bà đặt vấn đề: "Bộ trưởng cho rằng khâu tổ chức sản xuất không còn là số một, xếp số thì tuỳ Bộ trưởng nhưng theo tôi, khâu tổ chức sản xuất phải là khâu gốc của vấn đề để nông nghiệp phát triển bền vững và phát huy đúng tiềm năng. Do vậy, khâu sản xuất phải nhận được sự quan tâm nhiều nhất".
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: "Nếu tổ chức sản xuất không tốt thì lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán và bán cho ai? Lấy gì để chế biến?".
Sau phần tranh luận của ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích: "Thực ra mọi vấn đề của giá trị nông sản đều là một chuỗi. Trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay của chúng ta, thị trường nào cũng xâu chuỗi hết. Chiến tranh thương mại vừa qua, từng cân rau cân quả phải đấu tranh với nhau để bán hàng, khó nhất là ở chỗ đó. Thứ hai, khâu chế biến của chúng ta đang rất kém, chủ yếu là xuất thô".
"Nói như vậy không phải coi nhẹ khâu sản xuất. Nếu chúng ta xây dựng được một nhà máy, quay trở lại hình thành những vùng nguyên liệu thì thật tốt. Còn đương nhiên, khi đi bán hàng cho thiên hạ, bán hàng có yếu tố nước ngoài mà không đảm bảo chất lượng thì ai người ta mua? Còn nếu chúng ta có sản xuất tốt mấy nhưng khâu chế biến cứ như hiện nay thì không thể làm ăn được, không thể hiệu quả được", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Về giải pháp khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" khiến cuộc sống nông dân bấp bênh, Bộ trưởng nêu thực tế một trong những nguyên nhân làm cho đời sống bà con bấp bênh là do tổ chức sản xuất kém hiệu quả, do vậy cần tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào, cùng với bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông cho biết, trong các tỉnh Tây Nguyên, thì Gia Lai rất tích cực, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch đi thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thậm chí họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp.
"Do đó chỉ trong thời gian ngắn đã xây được 1 nhà máy chế biến nông sản. Trước sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư cảm động đã quyết định xây thêm một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.
Khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng nói.
Công Luân - Hoa Liên