Tham gia giải trình, làm rõ những ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu lên nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù nghề đối với những người làm y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tham gia giải trình, làm rõ những ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua có vai trò rất quan trọng, có mặt quyết định của mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở của Việt Nam.
Đồng thời, có vai trò rất quan trọng của đội ngũ và nhân viên y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở nói riêng.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, thông qua đại dịch cũng nhận diện một cách đầy đủ, rõ hơn những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, về nhân sự và về các mặt khác mà các ĐBQH nêu tại phiên thảo luận.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đang có rất nhiều khó khăn liên quan đến tổ chức bộ máy của y tế dự phòng và y tế cơ sở, có mặt chưa đồng bộ, chưa thống nhất cả về mô hình tổ chức, cả về công tác quản lý. Thêm vào đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, về chất lượng và về cơ cấu.
Đề cập giải pháp để giải quyết tổng thể vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm của Bộ Nội vụ là cần phải đặt việc giải quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng và y tế cơ sở trong tổng thể của Nghị quyết 19 về đổi mới, hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp.
Nhưng cũng phải đặt trong một yêu cầu về quan điểm theo tinh thần Nghị quyết 20 của Trung ương về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Hơn nữa, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và những vấn đề phát sinh như đại dịch Covid vừa qua để nhìn nhận một cách tổng thể và có những giải pháp phù hợp hơn trong điều kiện thực tiễn thời gian tới.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ đề xuất Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể chiến lược bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.
Đây là một vấn đề rất quan trọng, bởi số viên chức thôi việc, bỏ việc trong thời gian vừa qua của ngành y cũng chiếm tới 25% trong tổng số 39.000 người.
Cùng với đó, cần phải đánh giá một cách rất toàn diện về tổ chức bộ máy, về nhân lực y tế dự phòng và y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này.
Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
"Hiện nay, Bộ Nội vụ chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Trong này sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở cũng như y tế dự phòng, để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng phải đảm bảo chính sách đặc biệt", bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng, sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế theo Nghị định 115, Nghị định 101 và chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 60 về cơ chế tự chủ, Nghị định 59, Nghị định 69 về xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp và đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, nhất là y tế dự phòng.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết sẽ phối hợp xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền và nhất là liên quan đến y tế cơ sở...
"Liên quan đến những vấn đề về khen thưởng sau đại dịch Covid-19 và những vấn đề khác có liên quan, thay mặt cho Bộ Nội vụ, chúng tôi xin tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất và giải quyết những vấn đề này trong thẩm quyền, cũng đề xuất cấp có thẩm quyền để xem xét và giải quyết", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói thêm.
Quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 29/5 về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Tp. Hà Nội) cho rằng, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phục cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm.
Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập, hiện nay đã hết hiệu lực, đại biểu cho rằng, rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế. Trong đó, chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhận thấy, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở.
Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.