Không cắt giảm biên chế viên chức
Tiếp tục phiên chất vấn sáng 5/11, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỉ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương.
Trong khi các tỉnh miền núi biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?
Đại biểu hỏi: “Bộ trưởng khẳng định rằng việc cào bằng chỉ tiêu giảm 10% biên chế dẫn đến nhiều hạn chế và có ý kiến cho rằng cần thống nhất phân bổ tỉ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022-2026 theo hướng chia theo từng khu vực vùng, miền và không cào bằng, đề xuất đối với các tỉnh miền núi biên giới tỉ lệ tinh giản từ 3 đến 5%. Bộ trưởng quan điểm thế nào về ý kiến này?”.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo quyết định của Bộ Chính trị, các địa phương giảm 5% công chức và 10% viên chức cho cả giai đoạn 2022-2026.
Tuy nhiên, việc này có căn cứ vào đặc thù từng vùng miền. Nhiều địa phương đang bị nhầm lẫn việc giảm biên chế viên chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
“Chúng ta không cắt giảm biên chế viên chức mà giảm viên chức hưởng lương ngân sách. Các địa phương miền núi có khó khăn hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế để tháo gỡ. Trước mắt, các địa phương chấp hành theo quyết định của Bộ Chính trị", Bộ trưởng nói.
Thu hút nhân lực chất lượng cao cần chính sách đặc thù
Đại biểu Trần Thu Hằng (Đăk Nông) đặt vấn đề về hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị định 140 về thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học giỏi vào khu vực công.
"Giải pháp của trưởng ngành Nội vụ để khắc phục bất cập, thu hút được nhiều hơn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công là gì?”, đại biểu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo kết luận 86 của Bộ Chính trị thì mục tiêu tới năm 2020 thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 140. Nhưng thực tế gần 4 năm thực hiện, việc thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ vào khu vực công chưa nhiều, tới hết tháng 6/2022 mới thu hút được 258 người, tức đạt 1/4 mục tiêu. Trong đó tại trung ương thu hút được 130 người, còn lại ở địa phương.
"Chính sách tại Nghị định 140 đưa ra tương đối tốt, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều sinh viên, cán bộ giỏi về làm việc ở khu vực công", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Người đứng đầu ngành nội vụ cho hay, nguyên nhân do nhiều bộ ngành địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng cán bộ theo Nghị định 140. Bộ Nội vụ đã tuyển được 17 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo chính sách Nghị định 140, và thực tế đều là những người làm việc rất tốt, tiếp cận công việc nhanh.
"Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội. Nếu các cơ quan, đơn vị quan tâm tuyển dụng đối tượng này thì đây là nguồn cán bộ tốt cho hệ thống công vụ", Bộ trưởng khẳng định.
Giải pháp tới đây, Bộ Nội vụ cho rằng cần đánh giá lại chính sách này. Khi xây dựng Nghị định hướng dẫn đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đưa ra chính sách tốt hơn, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Bộ trưởng cho rằng: “Tất nhiên không thể so sánh với khu vực tư nhưng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đưa ra cần đặc thù, ưu đãi và đủ mạnh, môi trường làm việc tốt để công chức tuyển dụng phát huy được tài năng. Đây là điều chúng tôi trăn trở và sẽ thúc đẩy thời gian tới”.