Các cơ quan cấp cao nói về giảm biên chế, ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “té nước theo mưa” là sẽ bỏ chế độ biên chế giáo viên trong ngành Giáo dục. “Miệng nhà quan có gang có thép” nên ngay lập tức, kỳ tuyển sinh năm 2017, thí sinh tránh các trường sư phạm. Hậu quả, có trường đại học phải tuyển sinh ở mức 3 môn 12,5 điểm, trường cao đẳng 9 điểm.
Tuyển học sinh kém để làm thầy trong sự nghiệp trồng người thì Quốc gia này từ cổ chí kim chưa có! Lớp học sinh dốt sẽ làm thầy ở Quốc gia này 35 đến 40 năm, hậu quả chẳng biết đến đâu. Những rối ren của ngành Giáo dục cả hiện tại và vài chục năm sau, trách nhiệm số 1 thuộc về Bộ trưởng!
Thay vì điềm tĩnh tìm các lỗ hổng trong ngành, Bộ trưởng vội vàng hướng ngành Giáo dục học tập ngành Công an và ngành Quân đội. Có lẽ vì các ngành này hấp dẫn nên điểm tuyển sinh kịch trần. Lời ra khỏi miệng mới nghĩ và nhận ra sai, Bộ trưởng không thể đưa lương giáo viên lên gấp 2 lần lương viên chức các ngành khác, không thể đặt ra chế độ ưu tiên cho tất cả con giáo viên... nên ông xoay hướng khác.
Ngày 17/8, trong cuộc họp với lãnh đạo các trường có đào tạo giáo viên, “Tư lệnh” ngành Giáo dục lại bảo, từ năm sau sẽ áp dụng điểm sàn riêng cho ngành Sư phạm!
Thưa Bộ trưởng, công việc mang tính chiến lược trong đào tạo giáo viên là: Thế giới vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đang trong công cuộc phát triển theo thế giới thì cần dạy gì, theo hướng nào cho con trẻ. Từ đó, định lượng, định chất thầy cô giáo theo nhu cầu phát triển; biên soạn sách giáo khoa cũng theo hướng ấy và trước hết giải thể các trường sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường đại học không chuyên về sư phạm đã đào tạo không theo nhu cầu xã hội và chất lượng không cao gây thừa giáo viên cục bộ.
Bộ trưởng là cấp vừa quản lý cái tức thời vừa làm chiến lược và phần chiến lược mới cần người có tầm!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!