Bộ trưởng phải trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng luật

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 28/09/2023 15:39

Thủ tướng yêu cầu cơ quan nào chưa giao bộ trưởng trực tiếp phụ trách công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngay trong tháng 9 phải phân công và báo cáo lại.

Ngày 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023.

Tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng nêu rõ, một số quy định liên quan quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nằm ở một số văn bản dưới luật; cần được luật hóa theo yêu cầu của Hiến pháp.

Về cơ sở thực tiễn, qua 5 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật nêu trên là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiêu điểm - Bộ trưởng phải trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng luật

 Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023 (Ảnh: VGP).

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Bộ VHTT&DL chủ trì, các đại biểu cơ bản thống nhất với các chính sách sau khi được Bộ VHTT&DL tiếp thu, chỉnh lý.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật nêu trên là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để phát triển hoạt động quảng cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên môi trường mạng và các nền tảng xuyên biên giới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách và cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua.

Các ý kiến cho rằng với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề chưa có tính ổn định cao, nhiều văn bản cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, song Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành được 116 văn bản (68 nghị định, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 36 thông tư).

Tuy nhiên, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…; có văn bản chất lượng chưa bảo đảm…

Tiêu điểm - Bộ trưởng phải trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng luật (Hình 2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: VGP).

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; đề cao vai trò của các Phó Thủ tướng, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan…

Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đối với 6 văn bản đã được các bộ, cơ quan trình Chính phủ nhưng chưa ban hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, trình lại trước ngày 5/10/2023; các Phó Thủ tướng chỉ đạo để ban hành trước ngày 10/10/2023.

Đối với các dự thảo nghị định chưa được các bộ trình Chính phủ, các bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 5/10/2023.

Đối với 3 thông tư quy định chi tiết chưa được ban hành theo thẩm quyền, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo hoàn thiện và ban hành trước ngày 5/10/2023.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự thảo báo cáo theo quy định; các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, báo cáo theo phân công, xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó, cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; chú ý lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các đối tượng tác động, các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà hoạt động thực tiễn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.