Tại đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Bộ trưởng Nhạ cho biết: "Đa số ý kiến nhân dân đều cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối tại các Nghị quyết của Đảng".
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, ông Nhạ cho biết vẫn có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề của giáo dục phát sinh trong thực tiễn. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Luật đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động giáo dục.
Tiếp thu ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo bộ GD&ĐT tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói về việc làm cho sinh viên Sư phạm:
Còn băn khoăn về chính sách học phí
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 97 của dự thảo Luật, theo đó trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện.
“Có một số ý kiến đề nghị quy định trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Đối với các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho trẻ em và học sinh thuộc diện phổ cập, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập tại trường dân lập, tư thục”, ông Nhạ cho hay.
Ngoài ra, cũng theo người đứng đầu bộ GD&ĐT, cũng có một số ý kiến cho rằng, nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.
Chính phủ đồng ý với ý kiến đa số của Nhân dân nêu trên và giữ quy định về học phí của dự thảo Luật: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Đối với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.
Trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Đảm bảo giáo viên là nghề có thu nhập cao
Về lương nhà giáo, sau khi lấy ý kiến nhân dân, ông Nhạ cho biết cơ bản có hai loại ý kiến, trong đó, có ý kiến cho rằng vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó: “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.
Có ý kiến cho rằng thang bảng lương của nhà giáo hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Chính phủ tiếp thu ý kiến dự thảo Luật quy định về lương của nhà giáo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW. Và đề xin giữ nguyên theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cụ thể: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Khóa XII. Theo đó, vấn đề lương nhà giáo cũng được xây dựng theo tinh thần nghị quyết này.
Xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, Dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Vì vậy, thay mặt Thường trực ủy ban ông Phan Thanh Bình đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội: “Phương án 1: Quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp (đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ có 3 bảng lương). Và phương án 2: Quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo”.
Đóng góp ý kiến về việc này, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất, cần có chủ trương sắp xếp thang bảng lương ưu tiên, để từ đó ta có cơ sở để nghiên cứu nâng lương nhà giáo cao lên. Tiền lương nhà giáo theo nghị Quyết cần phải sửa thành “được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên” chứ không phải “ưu tiên sắp xếp”.
Sinh viên sư phạm cần được sắp xếp việc làm
Về việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quan điểm của Chính phủ cần phải có quy định về chế độ tuyển dụng viên chức mang tính đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập.
Bởi vì hiện nay không có cơ chế tuyển dụng đặc thù (phân công công tác) cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cho nên khó thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm; cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giao biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành giáo dục; tình trạng nơi thừa giáo viên, nơi thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi mà bộ Giáo dục và Đào tạo không có chức năng, thẩm quyền giải quyết.
Clip: Ông Phùng Xuân Nhạ nói về việc làm cho SV Sư phạm:
Ông Phan Thanh Bình phát biểu, hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề như: số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí; đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…
“Cần quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành giáo dục (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập”, ông Bình cho hay.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải nâng chuẩn nhà giáo, đó là việc cần thiết, chứ chúng ta không thể cứ trình độ thế này mãi. Trong vấn đề việc làm cho sinh viên Sư phạm, ông Hiển đề xuất phải thay đổi, chứ không nên theo cách như bây giờ là đào tạo Sư phạm xong sau đó về cũng lại thi công chức.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thay đổi sẽ bắt đầu từ đầu vào ngành Sư phạm và kết thúc ở phần việc làm: “Thi đầu vào sư phạm cần phải nâng cao và khi ra trường đương nhiên được bố trí công việc. Vào trường Sư phạm là yên tâm được bố trí việc. Không phải phân bổ theo tỉnh này tỉnh kia, mà là phân bố việc làm cho sinh viên sư phạm theo hướng nơi nào cần là cho về. Nếu có chính sách thi đầu vào chặt chẽ, đầu ra đảm bảo thì sẽ nâng cao được chất lượng sinh viên sư phạm. Phải biến môi trường sư phạm thành một nghề mơ ước”.
Về nội dung liên quan đến bảng lương, tuyển dụng cho nhà giáo, trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên quy định một thang bảng lương mới cho giáo viên hay đặt quy định về mức phụ cấp. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm đối với bậc lương cho nhà giáo phải có ưu đãi để thu hút.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ không nên có một chế độ tuyển dụng riêng cho bất cứ ngành nào. Việc này sẽ phá vỡ, vô hiệu hoá chế độ tuyển dụng trong Luật Viên chức. Về việc thừa thiếu cục bộ giáo viên có thể điều hoà để hạn chế về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cần thiết có một chính sách phân công công việc cho SVSP nhưng vẫn cần đảm bảo quy trình tuyển dụng trong Luật Viên chức.