Theo VTV.Vn, đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/12.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước đây, một số nhà khoa học đề xuất cải tiến Tiếng Việt. Tuy nhiên, việc này là không thể vì rất tốn kém, trong khi không có tác động lớn.
Ngày 30/11, bộ GD&ĐT đã có thông cáo báo chí liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền. Bộ này có quan điểm trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ Quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.
Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết Quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trên cộng đồng mạng những ngày qua.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của ông Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chữ viết sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác và có tác động không nhỏ đến xã hội.
Trước đó, khi trả lời Zing.vn, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa, để hiểu rõ hơn về đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền nói riêng và vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ nói chung cho rằng, những đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền không mới. Ông cũng khẳng định: “Không nên cải cách chữ viết Tiếng Việt”.
D.Thu (tổng hợp)