Bộ trưởng Quốc phòng Đức tới Mỹ mua “hỏa thần” HIMARS tặng Ukraine

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 6, 10/05/2024 10:50

Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) mang theo bệ phóng được nạp 6 tên lửa dẫn đường 227 mm, hoặc một bệ phóng được nạp một tên lửa chiến thuật ATACMS.

Ukraine sẽ nhận được 3 Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) từ kho dự trữ của Mỹ và Đức sẽ đứng ra thanh toán, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết hôm 9/5.

Ông Pistorius, người tiết lộ kế hoạch trên sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, cho biết ý tưởng này xuất hiện trong thời gian chờ đợi kéo dài về khoản viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine.

Quốc hội “xứ cờ hoa” đã thông qua khoản hỗ trợ này cho Kiev trong khuôn khổ gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD vào cuối tháng 4.

“Thời gian là điều cốt yếu”, Bộ trưởng Pistorius nói với các phóng viên. “Vì vậy, chúng tôi đề nghị tiếp nhận, thanh toán và cung cấp 3 hệ thống (HIMARS) từ kho của Quân đội Mỹ”.

Thế giới - Bộ trưởng Quốc phòng Đức tới Mỹ mua “hỏa thần” HIMARS tặng Ukraine

Một hệ thống M142 HIMARS do Mỹ sản xuất và cung cấp, được Quân đội Ukraine sử dụng để phóng tên lửa vào các vị trí của Nga trong cuộc xung đột đang tiếp diễn. Ảnh: Getty Images

Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao M142, thường được biết đến với tên gọi “hỏa thần” HIMARS, do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. “Hỏa thần” HIMARS đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu vào các tuyến đường tiếp tế và kho đạn của Nga ở xa chiến tuyến.

Là hệ thống tên lửa phóng loạt được gắn trên khung gầm xe tải FMTV 6x6, HIMARS có tính cơ động cao và có thể phóng đồng thời nhiều tên lửa dẫn đường chính xác. HIMARS mang theo bệ phóng được nạp 6 tên lửa dẫn đường 227 mm, hoặc một bệ phóng được nạp một tên lửa chiến thuật ATACMS.

Tên lửa do “hỏa thần” bắn ra được dẫn đường bằng radar, có tầm bắn khoảng 70 km. Khi kết hợp với tính cơ động cao, đây là hệ thống “bắn và chạy” lý tưởng để nhắm mục tiêu vào các khu vực chứa vũ khí và sở chỉ huy của đối phương.

Với kế hoạch cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine được tiết lộ khi ở Washington DC, Bộ trưởng Pistorius tìm cách truyền tải thông điệp rằng Đức đang đảm nhận những trách nhiệm quân sự lớn hơn, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.

Năm nay, Đức sẽ chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng kể từ Thế chiến II, ông Pistorius tuyên bố. “Chúng tôi hiểu những gì đang bị đe dọa. Chúng tôi đang trả phần của mình. Chúng ta không thể chỉ đứng nhìn”, vị quan chức Đức nói trong bài phát biểu trước Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins.

Ông Pistorius, một thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng cho biết ông ủng hộ việc Đức khôi phục “một số hình thức nghĩa vụ quân sự”.

Đức đã đình chỉ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2011 dưới thời Thủ tướng Angela Merkel.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Kyiv Independent)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.