Thời điểm ông từ chức gần tới ngày 15/7, khi các nhà cho vay quốc tế bắt đầu xem xét giải ngân gói cứu trợ tiếp theo cho Lisbon.
Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar, người từng được ví là "kiến trúc sư" của các biện pháp cải cách "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Lisbon, ngày 1/7 đã đệ đơn từ chức.
Thời điểm ông từ chức gần tới ngày 15/7, khi các nhà cho vay quốc tế bắt đầu xem xét giải ngân gói cứu trợ tiếp theo cho Lisbon.
Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar. (Ảnh: telegraph.co.uk).
Ông Gaspar gần đây đã phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt và thường xuyên từ một số đảng phái trong liên minh cầm quyền về các chính sách kinh tế khắc khổ.
Trong đơn từ chức, Bộ trưởng Gaspar cho biết ông từ nhiệm vì sự ủng hộ của công chúng đối với kế hoạch điều chỉnh tài chính ngày càng bị xói mòn. Hầu hết người dân Bồ Đào Nha đều đổ lỗi cho chính sách tăng thuế và cắt giảm lương, từ thỏa thuận của Lisbon và các chủ nợ quốc tế hồi năm 2011, là nguyên nhân khiến cuộc sống của họ khốn đốn.
Ông Gaspar cũng nhấn mạnh những rủi ro và thách thức to lớn mà nước này phải đối mặt trong thời gian tới, đồng thời cho rằng những trở ngại trên đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ trong chính phủ.
Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva ngày 1/7 đã chấp nhận đơn từ chức của ông Gaspar, đồng thời chỉ định Bộ trưởng phụ trách vấn đề ngân khố Luis Maria Albuquerque thay thế. Bà Albuquerque là người chịu trách nhiệm về chương trình tư hữu hóa của Bồ Đào Nha.
Sự ra đi của ông Gaspar đánh dấu tổn thất chính trị lớn nhất do cuộc khủng hoảng nợ gây ra ở Bồ Đào Nha, kể từ khi chính phủ xã hội nước này sụp đổ vào mùa Xuân năm 2011. Không lâu sau đó, Chính phủ liên hiệp theo đường lối trung hữu lên thay đã buộc phải yêu cầu cứu trợ quốc tế.
Tháng 5/2011, EU và IMF cam kết dành cho Bồ Đào Nha gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 78 tỷ euro (tương đương 102 tỷ USD). Đổi lại, Lisbon phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài 3 năm, với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo, giảm lương của người lao động, cắt xén các khoản phúc lợi và tăng thuế mạnh. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha hiện đã bước vào năm thứ ba của suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục (hơn 18% lực lượng độ tuổi lao động).
Lisbon hy vọng sẽ giành lại được sự tiếp cận thị trường đầy đủ vào giữa năm 2014, khi các gói cứu trợ kết thúc. Nếu không thực hiện được mục tiêu trên, Bồ Đào Nha có thể sẽ phải yêu cầu một gói cứu trợ thứ hai và áp dụng thêm các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới./.
Theo TTXVN