Cái chết của ba trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin ở Quảng Trị đã khiến dư luận sốc. Cộng đồng tỏ thái độ chê trách khi "tư lệnh ngành" Y tế để xảy ra sự việc quá đáng tiếc này. Không những thế, người ta còn giận dữ vì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lúc đó cũng đang ở Quảng Trị, nhưng đã không tới thăm hỏi gia đình nạn nhân và thắp nhang cho các cháu bé.
Sau cuộc phỏng vấn bộ trưởng Tiến, để có cái nhìn đa chiều hơn về sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trong chục năm qua, ông có nhiều bài viết khá khách quan và trầm tĩnh về cách ứng xử của những nhà chính trị và truyền thông qua các sự kiện nóng.
- Ông bình luận gì về cách ứng xử của bộ trưởng Tiến trong sự việc ba cháu bé sơ sinh qua đời tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và sự chê trách của dư luận đối với nữ bộ trưởng này?
Trong hệ thống của chúng ta không có được sự phân biệt tương đối rạch ròi đâu là chính khách, đâu là công chức. Cho nên, những kỹ năng làm chính khách không được phát triển cho lắm. TS Nguyễn Sĩ Dũng |
Trước hết, tôi xin khẳng định bộ trưởng nên đến thăm và chia sẻ với các gia đình có các cháu bé bị tử vong. Đây là việc một việc chính khách bắt buộc phải làm. Ngoài ra, đây không chỉ là khó khăn, thách thức, đây còn là cơ hội truyền thông có một không hai cho Bộ trưởng.
Tuy nhiên, một số bộ trưởng của chúng ta chỉ là những nhà chuyên môn hơn là chính khách. Chính vì thế, họ có thể rất nhiệt tâm với công việc, nhưng lại không có được sự nhạy cảm của một chính khách. Trong hệ thống của chúng ta cũng không có được sự phân biệt tương đối rạch ròi đâu là chính khách, đâu là công chức. Cho nên, những kỹ năng làm chính khách không được phát triển cho lắm. Chúng ta chỉ gọi chung chung bộ trưởng là "tư lệnh ngành". Thế nhưng, tư lệnh là người điều binh, khiển tướng, còn bộ trưởng là người hoạch định chính sách và lãnh đạo chính trị của bộ máy. Hai nhân vật này rất khác nhau. Tôi thiên về ý chị Tiến là một nhà kỹ trị nhiều hơn. Nếu không chị ấy đã đến thăm ngay các gia đình và tận dụng cơ hội để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: "Một số bộ trưởng của chúng ta chỉ là những nhà chuyên môn hơn là chính khách".
- Theo ông, thông thường thì trong những trường hợp tương tự, một bộ trưởng mà ông kỳ vọng phải ứng xử như thế nào cho đúng?
Tất nhiên là nên đến thăm hỏi và chia buồn với các gia đình và tận dụng cơ hội này để đưa ra các thông điệp cần thiết cho xã hội nói chung, cũng như cho ngành mình nói riêng.
Sau đó, cần phải cho tổ chức một cuộc điều tra hết sức khách quan về nguyên nhân dẫn đến việc tử vong của các cháu bé. Trên cơ sở kết quả điều tra mà cho hoàn thiện các quy trình, quy chuẩn tiêm chủng để những trường hợp tương tự không xảy ra trong tương lai. Việc kỷ luật những người có trách nhiệm chỉ là mục đích phụ chứ không phải là mục đích chính.
Thường thấy chuyện thế này: ý kiến của các ĐB dân cử phụ thuộc rất nhiều vào thông tin báo chí? Mà thông tin của báo chí là tin tức thời sự và cảm xúc của đám đông trước một sự kiện nhất thời...
Việc các vị dân biểu phản ứng tức thời trước thông tin báo chí là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào thông tin báo chí để suy xét, đánh giá là rất rủi ro. Báo chí cần có câu chuyện để thu hút được công chúng. Mà câu chuyện thì nhiều khi phải thêm “mắm muối” vào mới hấp dẫn. Đó là chưa nói tới những chuyện như động cơ, tính chủ quan của cách nhìn nhận vấn đề…
Các vị dân biểu thì cũng như các thành viên Chính phủ thuận với báo chí để lấy lòng công chúng thì rất dễ, nhưng hành động như các nhà kỹ trị chỉ hành xử trên cơ sở số liệu và chứng cứ thì khó khăn hơn nhiều.
- Và như vậy, việc đẩy mạnh lấy phiếu tín nhiệm của QH với những chức danh do QH bầu sẽ càng đẩy xa hơn việc xây dựng một chính phủ kỹ trị - việc mà các nước phát triển đã và đang thực hiện?
Nếu vì quá để ý đến hình ảnh của mình trước công chúng, đôi khi sẽ khiến các nhà chính trị rơi vào những ứng xử nặng về dân túy mà bỏ qua những đòi hỏi khoa học của công việc quản lý ngành. TS Nguyễn Sĩ Dũng |
Đó là điều chưa có thực tế để khẳng định. Tuy nhiên, vừa lòng Quốc hội để được phiếu cao và việc quyết đoán để đẩy tới những công việc khó khăn có vẻ chưa chắc đã đồng hành với nhau. Trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, nên đề cao chuyện kỹ trị, vì cuối cùng điều này mang lại lợi ích lớn hơn cho chúng ta.
Nhưng đề cao kỹ trị, nhiều khi phải chấp nhận “mất lòng trước, được lòng sau”. Ví dụ như chuyện đường dây 500KV, 10 năm sau người ta mới thấy lợi ích thiết thực của nó, nhưng tại thời điểm lựa chọn đầu tư, không phải những người khởi xướng đã được đa số ủng hộ. Vấn đề là khi “anh” đã đủ cơ sở khoa học để coi lựa chọn công việc, lựa chọn ứng xử của mình là đúng thì phải dũng cảm và kiên trì để thực hiện.
Nếu vì quá để ý đến hình ảnh của mình trước công chúng, đôi khi sẽ khiến các nhà chính trị rơi vào những ứng xử nặng về dân túy mà bỏ qua những đòi hỏi khoa học của công việc quản lý ngành.
- Nhìn chung, ông không cổ vũ cho việc lấy phiếu tín nhiệm?
Tôi đã nói chuyện này nhiều trên báo chí. Tôi cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là một thứ thuốc đặc hiệu. Thuốc đặc hiệu thì phải sử dụng đúng liều.
> Bộ Y tế vào cuộc vụ 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin