"Vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Sở Y tế đã hành xử rất đúng", bộ trưởng Tiến khẳng định tại Hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm hôm qua (20/8).
Như đã đưa tin, hồi tháng 5 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội nhận được đơn tố cáo của bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt về sai phạm trong xét nghiệm máu. Sau khi vào cuộc làm rõ, bước đầu xác định, đơn tố cáo của bác sĩ Nguyệt là có cơ sở. Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định tặng giấy khen và phần thưởng 350.000 đồng cho chị Nguyệt và 2 đồng nghiệp.
Nói về trách nhiệm của Bộ Y tế trong sai phạm của Bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức, bà Tiến khẳng định, Bộ là cơ quan cao nhất về quản lý y tế nhưng chỉ có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo, còn việc tổ chức thực hiện là của cơ sở, địa phương.
“Trong vụ việc ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, tôi thấy Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế hành xử rất đúng. Về vụ việc này, trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách nhưng triển khai thực thi là chính quyền theo phân cấp về địa bàn hành chính”, Bà Tiến nói.
Bà Tiến cho biết, Bộ Y tế đã ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh công tác quản lý y tế ở các địa phương cũng như quy trình tiêm chủng, quy trình khám chữa bệnh để cải tạo bộ mặt của bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi xảy ra sai phạm
Vị bộ trưởng cũng thừa nhận, vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức kéo dài gần 1 năm mà Giám đốc BV không hay biết là do công tác thanh kiểm tra còn quá yếu.
Người đứng đầu ngành y khẳng định, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã có thông tư về quy trình xét nghiệm. Bộ cũng có quy trình lấy mẫu và tiêu chuẩn phòng xét nghiệm, nơi nào không làm như thế là không được và giám đốc bệnh viện, trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm. Trong đó, công tác thanh kiểm tra là hơi yếu.
Theo bà Tiến, để chấn chỉnh quy trình xét nghiệm, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên cả nước. Nếu cơ sở nào thực hiện không đúng, giám đốc bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, ông Phạm Lê Tuấn, thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện nay còn có một số trường hợp hy hữu trong ngành y đã để lại hậu quả đau lòng, đáng tiếc. “Chúng tôi không ngờ có những sự việc lại xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức như thế”, ông Tuấn bày tỏ.
Ông Phạm Lê Tuấn, thứ trưởng Bộ Y tế rất đau lòng với sự việc xảy ra tại BV Hoài Đức
Vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng từ ngày 20/5. Theo đơn tố cáo, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm, còn bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân, lại làm không hết việc. Bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả trả cho nhiều người khác. |
Theo ông Tuấn, đối với những cá nhân sai sót tại Bệnh viện Hoài Đức, Bộ Y tế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, bên cạnh đó Bộ cũng có khuyến khích những cơ sở thực hiện tốt.
Cùng ngày Công an TP. Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố đối 10 bị can là lãnh đạo, nhân viên bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Thông tin này được Thượng tá Phan Cao Thu - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 20/8 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Trong số các bị can có ông Nguyễn Trí Liêm- giám đốc Bệnh viện Hoài Đức và bà Nguyễn Thị Nhiên, phó giám đốc bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can còn lại bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Vương Thị Kim Thành- trưởng khoa xét nghiệm. Các bị can Phan Thị Oanh-Kỹ thuật viên trưởng; Nguyễn Thị Xuyên; Nguyễn Thị Nga; Vương Thị Lan đều là kỹ thuật viên.
Ngoài ra, các bị can còn lại gồm Nguyễn Thu Trang; Nguyễn Thị Hồng Nhung; Nguyễn Đồng Sơn cùng là kỹ thuật viên làm việc theo hợp đồng.
Theo Khám phá