Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 7/11/2023, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo đó cần đánh giá tác động môi trường, có như vậy mới làm giảm tình trạng sạt lở bờ sông.
Theo đại biểu, bên cạnh lợi ích từ việc khai thác cát trái phép mang lại, nhưng những mỏ cát cũng ảnh hưởng đến môi trường.
Ví dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, việc khai thác cát tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát về cho chủ đầu tư để chuẩn bị xây dựng công trình cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu lo ngại “việc khai thác cát được cấp phép, cho phép mặt âm lòng đất xuống 10m hoặc 20m nhưng đơn vị khai thác tới 30m- 40m". Như thế làm sao không xảy ra tình trạng sạt lở? Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xác minh khó khăn. Cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm, lượng cát về rất ít. Trong khi đó, xây dựng đường cao tốc từ nay tới năm 2030 sử dụng tới 54 triệu mét khối, như vậy là quá lớn, chưa kể cát cho dân dụng.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có giải pháp quản lý và hạn chế mức thấp nhất việc khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.
Đồng tình với những lo ngại của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, hiện nay theo đánh giá lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu, lượng cát hiện giảm đi 70% so với 20 năm trước (năm 2003) do hệ thống thượng nguồn của chúng ta xây dựng các đập và hệ thống công trình.
Bên cạnh đó, có hiện tượng việc khai thác cát quá công suất, quá chiều sâu, không đúng quy định, theo đánh giá tác động môi trường mặc dù ở đây Bộ đã phân cấp cho địa phương.
Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá hệ thống trữ lượng cát của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời Bộ sẽ phối hợp cùng với các địa phương để triển khai giám sát vấn đề này dù còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Khánh đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá lại tổng thể, không để xảy ra tình trạng khai thác cát lậu ở các dòng sông, gây ảnh hưởng rất lớn làm sạt lở bờ sông.
Liên quan đến vấn đề này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng trước đó, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều.
Với thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt và Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với một khu vực nền địa chất non trẻ đang còn bị sụt lún. Các nguồn liên quan đến nguồn cấp nước phụ thuộc vào ở nước ngoài. Vùng Tây Nguyên trên nền địa chất có các lát cắt và khi mưa lớn và mưa tập trung cục bộ sẽ tạo ra sự sạt lở và rất nguy hiểm.
Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường đó là, tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai và đã tham mưu cho Chính phủ ban hành dự án khả năng dự báo và sau đó lại cảnh báo phối hợp với các địa phương.
Phối hợp với các địa phương khi làm các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở. Chúng ta sẽ quy hoạch di dời dân cư, quy hoạch để phát triển theo những dự báo về sạt lở để tránh được ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Đề xuất các dự án về công trình và phi công trình. Vừa qua Thủ tướng cũng đã đi khảo sát Đồng bằng Sông Cửu Long và về cũng đã chỉ đạo và trình Quốc hội các dự án về kè các sông ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhưng ở đây có một đặc điểm là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn trong việc lựa chọn di dời dân cư và lựa chọn sự phát triển, bởi vì tất cả trên vùng núi rất khó khăn, cho nên chúng ta phải tăng cường cách để lựa chọn nơi để phát triển kinh tế - xã hội và bố trí dân cư rất quan trọng.
Một giải pháp nữa là giải pháp phi công trình, ông Khánh cho biết đã đề nghị các địa phương trồng những cây bản địa. Ví dụ như vùng đồng bằng sông Cửu Long có cây đước, cây bần... vùng miền núi có cây tre, cây nứa.
Như vậy, giải pháp là trồng thêm các loại cây xanh phi công trình và chống những việc quy hoạch, không để tải trọng những công trình lớn vào những vùng có nguy cơ sạt lở cao sẽ đạt được việc như vậy.