Những bất cập về quản lý đất đai
Sáng 28/10, giải trình ý kiến của đại biểu về công tác quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề hết sức quan trọng và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất về nhận xét của các đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay về vấn đề quản lý đất đai.
Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ ra lãng phí đất đai là do các dự án chậm tiến độ, dự án treo, hiện còn 18.000 hecta đất chưa được giải quyết.
Người đứng đầu Bộ TN&MT cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân cụ thể như: chậm giải phóng mặt bằng; các quy hoạch đang thay đổi; hiện nay các nhà đầu tư đã lựa chọn là các nhà đầu tư kém năng lực nên không đầu tư được.
Thêm một nguyên nhân nữa đó là trong quá trình xử lý, các vấn đề về pháp luật đất đai, các luật liên quan có sự chồng chéo.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay, có trên gần 2.000 dự án đang vướng mắc, đã đưa ra các phương án để xử lý và đề xuất các cấp có thẩm quyền, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị: “Từ nay đến năm 2024 nên ban hành các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ nếu hoặc liên quan địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố. Sau đó, sẽ xem xét để tính toán đối với các địa phương khác trong cả nước”.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi phải bám sát nguyên tắc, một là không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; hai là không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm…
Liên quan đến việc lợi dụng trong các chính sách đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Luật Đất đai lần này sẽ tập trung rất cụ thể vào các công cụ như: quy hoạch, kế hoạch, vấn đề liên quan đến định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo Bộ trưởng, hiện chúng ta được quy định trong luật khung giá, bảng giá và định giá cụ thể. Mặc dù vậy, khung giá và bảng giá vẫn không sát thị trường, thêm vào đó là các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập không đầy đủ, chính xác.
Chúng ta có 4 phương pháp đúng là phù hợp với thông lệ quốc tế và nếu có đầu vào chính xác về dữ liệu đất đai thì có thể định giá được. Việc sửa đổi Luật lần này sẽ thay đổi cơ bản phương pháp định giá trên cơ sở xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như các cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm: giá đất, quy định về các hợp đồng, chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch và đăng ký đối với người dân.
“Tất cả những vấn đề đó chúng ta sẽ làm và cũng không thể làm bằng thông tư được, bởi để có phương pháp định giá mới thì phải thay đổi ngay từ trong luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xác định đây là những đối tượng Nhà nước sẽ tạo quỹ đất và không thu tiền sử dụng đất để làm sao giá nhà xã hội, giá nhà ở sinh viên hợp lý.
"Cơn sốt đất đã tràn cả về nông thôn"
Cũng thảo luận tại hội trường sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) còn những trăn trở về vấn đề đất đai tại khu vực nông thôn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, hiện nay, cơn sốt đất đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm.
“Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy?
Tại sao người nông dân lại không nhận ra hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún và tại sao người nông dân lại không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất.
Có rất nhiều nguyên nhân cho câu trả lời của các câu hỏi trên, song phải chăng nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì bắt đầu từ thể chế của chúng ta đang còn những nút thắt, lực cản”, đại biểu đặt câu hỏi.
Nhìn nhận chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, chế độ canh tác, tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai.
Chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn thì rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp hợp tác xã.