Sáng 16/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có 20 phút để trả lời những câu hỏi còn lại trong buổi chất vấn chiều 15/11.
Trong phiên trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhận được 44 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời các vấn đề mà đại biểu quốc hội quan tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường được nhiều đại biểu quan tâm như: Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Sỹ Cương, Lưu Bình Nhưỡng, Mai Thị Ánh Tuyết, Dương Trung Quốc, Huỳnh Thanh Cảnh… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Hiện đã có hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, việc quản lý phối hợp giữa các cấp từ trung ương đến địa phương chưa được đồng bộ, chặt chẽ, phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp các ngành, chế độ trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng”.
Điều này đã được ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) ví như “thả gà ra đuổi”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Để giám sát tốt về vấn đề môi trường, Bộ đồng ý việc cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước khác và cần quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan quản lý Nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ để giám sát hiệu quả từng dự án. Nếu xảy ra sự cố sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của tổ chức cá nhân”.
Vấn đề năng lực chuyên môn của cán bộ công chức làm công tác môi trường còn hạn chế, đặc biệt ở cấp huyện và xã. Một bộ phận công chức nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân. Đây là điều mà ĐB Trương Trọng Nghĩa đã đề cập khi chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: “Bộ tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ sẽ xem xét lại tính liêm chính và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức trong ngành. Tôi đồng ý với đại biểu Nghĩa rằng, khi đã có yếu kém thì cần có giải pháp, có giải pháp thì cần đi ngay vào công việc, nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương của Bộ, ngành”.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng TNMT đề xuất một số giải pháp như: Rà soát lại chức năng nhiệm vụ và trình Chính phủ trên cơ sở xây dựng lại chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, đồng thời có kiến nghị trong toàn ngành; làm rõ, phân định rõ cơ chế quản lý ở trung ương và địa phương, đảm bảo một người được giao một việc, không bỏ trống và không chồng chéo…
Liên quan đến nhóm câu hỏi của một số đại biểu về triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Giai đoạn 2012-2016, kinh phí cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chỉ được 17,3% so với kinh phí dự toán ban đầu, tương đương khoảng 245 tỉ đồng. Vì sự thiếu hụt kinh phí, đến thời điểm này còn nhiều dự án chưa hoàn thành.
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục đề xuất khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đề xuất ngân sách trên 2.000 tỉ đồng, trong đó trung ương là 30% còn lại là địa phương. Chúng tôi tin tưởng, nếu bố trí đầy đủ kinh phí thì trong thời gian 3 năm còn lại, chúng ta có thể khắc phục được ô nhiễm môi trường làng nghề đặc biệt nghiêm trọng”.
Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về đánh giá tác động môi trường, công cụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, quy trình đánh giá tác động môi trường chưa chặt chẽ. Đặc biệt với các dự án quy mô lớn, chưa có quy định chặt chẽ của thẩm định, tư vấn, còn lỏng lẻo trong giám sát thực hiện tác động môi trường, còn yếu ở trình duyệt, phê duyệt, vận hành, có hiện tượng tiêu cực trong đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Bộ sẽ kiểm tra và nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Bộ trưởng cũng đưa một số giải pháp khắc phục như: Cần rà soát lại các luật liên quan, bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm của hội đồng tư vấn và thành viên hội đồng đánh giá tác động môi trường, tiến hành đánh giá tác động môi trường 2 bước đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp, tăng cường công khai thông tin cho nhân dân, các cá nhân quan tâm…
Trả lời chất vấn một số câu hỏi về ô nhiễm môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định: “Biển miền Trung an toàn, các hoạt động du lịch, thể thao, nuôi trồng thủy sản diễn ra bình thường nhưng tất nhiên phải theo quy chuẩn”.
Về một số chất vấn của đại biểu liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất còn chậm, Bộ trưởng TNMT trả lời: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua đã thực hiện quyết liệt, cấp trên 95% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn 5% nhưng ở các địa bàn phức tạp hoặc các điểm nóng, liên quan đến cơ chế chính sách thay đổi nhiều lần, nhiều trường hợp sinh sống trước 15/12/1980 nhưng không có giấy tờ đầy đủ thất lạc, nhiều chủ đầu tư chậm trễ nộp hồ sơ…
Quan điểm của Bộ, việc hoàn thành 5% này là đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cần tập trung các địa bàn trọng điểm, căn cứ từng đối tượng, đảm bảo công bằng với từng đối tượng, xử thật nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu”.
Thu Dương - Đỗ Thơm (ghi)