Ngày 27/6, tại TP.Đà Nẵng, phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đã chính thức diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự, chủ trì tổ chức và phát biểu tại phiên khai mạc này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau phiên khai mạc, các đại biểu đi vào thảo luận theo từng nội dung chủ đề. Tựu chung lại sẽ tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về Khoa học và Kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành Quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF. Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các Phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như: Phát triển kinh tế xanh lam; Quản lý đất đai; Hóa chất, chất thải và thủy ngân; Thành phố bền vững; Động vật hoang dã...; và thông qua Văn kiện hợp tác GEF.
Trao đổi với chúng tôi, bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ môi trường toàn cầu bày tỏ sự ấn tượng tới kết quả của công cuộc Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986.
“Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy, 5,5% trong gần ba thập niên và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Hơn nữa, Việt Nam đã làm được điều này với sự ổn định và chất lượng; tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 3% và người dân Việt Nam giờ đây có sức khỏe và một nền giáo dục tốt hơn so với nhiều nước ở ngưỡng trên mức thu nhập trung bình. Đó là một thành tựu to lớn của Việt Nam”, bà nói.
Cũng theo lời người đứng Quỹ môi trường toàn cầu, trong quá trình phát triển này, Việt Nam cũng đã phải chịu đựng sự suy thoái đất và rừng, ô nhiễm không khí và nguồn nước; đồng thời nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường; về sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng như khuyến khích năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, vì các đại dương xanh và khỏe mạnh.
Theo bà Naoko, chúng ta phải chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt; chuyển đổi hệ thống lương thực và sử dụng đất; chuyển đổi các thành phố; chuyển đổi hệ thống năng lượng – để chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta phải khôi phục lại các hệ sinh là nền tảng cho phát triển xã hội và kinh tế. Đồng thời sự chuyển đổi này cần phải dựa trên sự liên kết giữa nhiều cơ quan, đối tác liên quan - chính là sức mạnh của sự hợp tác – sự hợp tác của 183 quốc gia thành viên, 18 cơ quan lớn với mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện 5 Công ước bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu,…
Tại GEF6 lần này, Việt Nam với vai trò chủ nhà đăng cai chủ trì nhiều sự kiện đã cho thấy năng lực, sự quyết tâm và nỗ lực của mình. Tại phiên khai mạc này, Bộ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã được bầu nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng GEF6. Theo vị Bộ trưởng, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức do suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biến đổi khí hậu, để giải quyết những thách thức này, cần phải thực hiện sự chuyển đổi trong các nền kinh tế, trong xã hội và lối sống, vì một tương lai tốt đẹp hơn.