Theo đó, sáng nay, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Trả lời chất vấn về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch và tổ chức thanh tra. Bộ Xây dựng được phân công phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác, phân cấp một phần cho địa phương. Bộ Khoa học & Công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý.
“Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp. Thời gian qua sự phối hợp giữa các bộ không tốt. Nếu để một bộ làm sẽ không đủ năng lực xử lý, cần có sự phối hợp tốt hơn”, Bộ trưởng TN – MT nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, rác thải ở Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3 - 4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Theo đánh giá của bộ Tài nguyên và Môi trường, với thành phần rác hiện nay thì công nghệ đó là chưa phù hợp. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường.
Theo Bộ trưởng: “Nhiều nhà máy rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn song thực tế không vận hành được, lãng phí. Chúng ta phải thống nhất khi ký hợp đồng với các công ty, ngoài thoả thuận về giá thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; nếu không đáp ứng thì buộc phải đóng cửa số nhà máy này”.
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là rác thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất. Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thuỷ ngân... nên cần công nghệ xử lý phù hơp”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận: “Doanh nghiệp trong nước cho biết có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác... Nhưng lại gặp sự cạnh tranh của công ty nước ngoài trong khi công nghệ của nước ngoài không bằng”.
Theo người đứng đầu bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ này đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ về nguồn lực để làm sao sớm có công nghệ xử lý rác thải Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tiếp tục “truy” vấn đề việc bờ sông, bờ biển bị tư nhân hoá. Doanh nghiệp, nhà đầu tư lấn chiếm đường bờ biển, bờ sông vừa sai luật, bất công với người dân vì dân không có lối xuống biển tắm.
Còn Đại biểu Phan Văn Hoà cũng cho rằng, hiện người dân "không có lối xuống biển tắm và lo trong tương lai đặc khu Phú Quốc sẽ gặp tình cảnh như vậy?”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã có luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, luật Biển Việt Nam. Trong đó quy định rõ hành lang bờ biển, sông, nên không cần thêm quy định mà chỉ cần thực hiện đúng kỷ cương, kỷ luật.
“Tại sao Đà Nẵng làm được, vì dựa trên cơ sở luật đã có, với những trường hợp thực hiện theo quy định của Nhà nước trước khi có Luật thì cần được xem xét nhiều yếu tố; trường hợp từ khi có luật thì phải thực hiện nghiêm theo luật. Theo quy định hiện hành, toàn dân đều có quyền hưởng môi trường biển. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của dân cần thiết sự vào cuộc của chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải.