Chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đã đặt hai câu hỏi, trong đó có một nội dung về xử lý với tình trạng sim rác, tin nhắn rác.
“Về vấn đề tin nhắn rác, thời gian qua bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp quyết liệt và những hiệu quả nhất định, nhưng trên thực tế vấn còn tình trạng này. Xin Bộ trưởng cho biết các biện pháp xử lý thế nào với các nhà mạng?”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói. Câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cũng là chất vấn của nhiều ĐBQH khác với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: “Sim rác và tin nhắn rác là một vấn nạn. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của tin nhắn rác. Sự bùng nổ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích lớn lao nhưng cũng phát sinh một số tiêu cực”.
Bộ trưởng đưa ra phân tích, xét về bản chất nguyên gốc, tin nhắn rác là do bán sim điện thoại trả trước một cách tràn lan, nhiều người dân bị sử dụng thông tin cá nhân mà không biết. Khi đi ra nước ngoài, muốn mua một sim sử dụng trong thời gian ở nước ngoài rất khó khăn.
“Như khi đến Nhật, tôi nhờ tham tán công sứ mua một sim, nhưng yêu cầu phải có hộ chiếu và sau một tuần mới có, trong khi chúng tôi chỉ ở lại Nhật Bản có 3 ngày. Ở Việt Nam, muốn mua bao nhiêu sim cũng được. Điều này thể hiện thiếu quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan, trong đó, có trách nhiệm của ngành chúng tôi. Nói trách nhiệm của ngành là có trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thẳng thắn nói.
Cũng theo Bộ trưởng, vấn đề tin nhắn rác, sim rác đang gây ra ảnh hưởng lớn đến xã hội, gây phiền nhiễu đến nhiều người sử dụng điện thoại và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn xã hội.
“Mặc dù tồn tại nhiều năm tuy nhiên vấn nạn chưa giải quyết triệt để. Tại sao? Bởi vì xuất phát từ lợi ích của nhiều bên: Nhà mạng, đại lý và cả người sử dụng.
Nhà mạng được hưởng lợi, phát triển thuê bao di động. Nên gần đây, trong các cuộc giao ban Nhà nước, tôi không coi phát triển thuê bao là thành tích của các nhà mạng. Bởi đến nay, chúng ta đã bão hòa về số lượng. Hơn 92 triệu dân mà đã có hơn 131 triệu thuê bao đang hoạt động. Đại lý sim thẻ khai báo sẵn thông tin không chính xác, duy trì sim tồn tại sẽ có doanh số nhất định. Người dùng được lợi từ sim mới", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, việc phát triển thuê bao trả trước tràn lan, phát sinh tình trạng sim rác, gây lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Vấn nạn sim rác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin.
“Chúng tôi coi một trong những nội dung ngành TT&TT phải xử lý triệt để là sim rác và tin nhắn rác. Vừa qua, bộ TT&TT đã xử lý khá quyết liệt. Khi xem xét lại, chúng tôi thấy có một số cách làm không hiệu quả. Tức là chúng ta không chặn ngay nguồn đầu mà xử lý khi đã ra thị trường. Thêm nữa, xử lý đại lý cũng không hiệu quả. Do đó, chúng tôi kiên quyết chặn ngay từ nhà mạng.
Vì kho số là bộ TT&TT cấp cho nhà mạng. Do đó, việc giám sát, phát hành kho số là do nhà mạng, phải quy trách nhiệm cho các nhà mạng. Đối với các doanh nghiệp viễn thông thuộc ngành TT&TT, chúng tôi yêu cầu, nếu không đảm bảo xử lý được, chúng tôi sẽ xử lý người đứng đầu, cần thiết thay thế người đứng đầu nếu không xử lý được kho số.
Thêm nữa, ngăn chặn trên hệ thống, cũng như muốn bắt gà phải bắt khi chưa mở chuồng, không bắt khi đã thả. Từ tháng 10/2016 đến nay, đã thu hồi 20 triệu sim rác. Nguồn gốc của tin nhắn rác từ sim rác. Tuy nhiên, trên thực tế còn số lượng khá lớn. Do đó, chúng tôi quyết liệt làm tiếp”, Bộ trưởng TT&TT nêu một loạt thực trạng và giải pháp.
Bộ trưởng TT&TT cũng đưa ra các giải pháp như: Phối hợp bộ Công an xử lý, bộ Tài chính nâng cao mức phạt với doanh nghiệp bán sim rác; thu hồi đầu 11 số; bởi trước đây phát hành đầu 10 số, nhà mạng kêu hết, nhưng khi kiểm tra thu hồi 20 triệu sim chứng tỏ kho 10 số vẫn còn nhiều; tăng cường khuyến khích sim trả sau...
Dương Thu (ghi)