Cần chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y
Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2022 với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới" ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao những đóng góp của các cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 những năm vừa qua.
Đến nay, các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe đều đạt và vượt, còn lại chỉ tiêu về giới tính khi sinh chưa đạt... Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, qua cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều hạn chế của ngành cần "tập trung tháo gỡ kể cả về công tác quản lý Nhà nước cũng như tổ chức thực hiện ở cơ sở".
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, những thách thức ngành y tế đang gặp phải hiện nay về thực hiện tự chủ bệnh viện tại một số đơn vị, cơ chế tài chính, giá dịch dịch vụ y tế, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế, năng lực quản trị bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành, đầu tư máy móc trang thiết bị để phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu...
Về chế độ ưu đãi và đãi ngộ đối với nhân viên y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ với những khó khăn, vất vả để đào tạo được cán bộ y tế.
"Mặc dù thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đến thời gian đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục thế nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều.
Thực tế, hiện nay việc thu hút học sinh cho ngành điều dưỡng rất khó khăn, sinh viên học ra trường đi làm lương thấp, áp lực cao. Hiện, vấn đề này Bộ Y tế đang xúc tiến phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham mưu cách làm thế nào để có chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, việc chế độ tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã không còn phù hợp”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Gỡ khó trong đấu thầu, mua sắm thuốc
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện ngay trong thời gian sắp tới. Trong đó, việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); mua sắm thuốc, vật tư y tế; ứng dụng khoa học công nghệ,… là việc cần làm ngay.
Trong bối cảnh một số bệnh viện công lập xảy ra thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang rất rốt ráo, phối hợp sửa đổi một số văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
"Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định 146, Nghị định 98, Nghị định 54 và các Thông tư liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế. Đặc biệt là Nghị định 98 sửa theo hướng rút gọn. Với Thông tư 14, hiện nay có 2 xu hướng, một là rà soát để hủy bỏ tổng thể, hai là sửa đổi ngay điều có nội dung giá trúng thầu phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó, vì điều này không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Về vấn đề giá dịch vụ y tế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế rất quan tâm vấn đề này. Bộ sẽ sớm ban hành danh mục kỹ thuật, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ theo yêu cầu.
Riêng Thông tư quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập dự kiến cố gắng sẽ được ban hành trong tháng 12.