Tránh lạm dụng xét nghiệm
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, theo báo cáo số 3006 của Tổng Thư ký Quốc hội và qua phản ánh của cử tri, hiện nay tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc quá mức và không cần thiết, gây tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo.
Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ Y tế, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng cho biết, hiện nay, đã có những thiết bị lâm sàng, hiện đại hỗ trợ thầy thuốc trong chẩn đoán bệnh và điều trị. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật y khoa, đã có nhiều thiết bị tốt giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, giúp cơ hội điều trị cho người bệnh được tốt hơn.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết, gây tốn kém về mặt chi phí, tâm lý bức xúc với người bệnh. Bên cạnh đó, việc đẩy chi phí xét nghiệm hoặc sử dụng kỹ thuật cao quá mức ảnh hưởng Quỹ bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, các ban ngành, cơ sở y tế đều phải có trách nhiệm quỹ ổn định phát triển ổn định chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, Bộ trưởng xác định có 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, là việc nhận thức và trình độ người chỉ định xét nghiệm khi muốn chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác cũng đẩy xét nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, xét nghiệm có tính hợp lý cao nhất thì nhận thức phải điều chỉnh.
Thêm nữa, trước đây chúng ta đã sử dụng xã hội hoá, liên doanh liên kết nhiềunên nhiều nơi muốn thu hồi nhiều tiền bỏ ra nên đẩy xét nghiệm.Thời gian qua đã có các vụ việc, vụ án và đã được chấn chỉnh.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, nhiều người bệnh có nhu cầu xét nghiệm thêm. Bởi thời gian qua, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều vụ việc người dân kiện khi vài tháng trước đi khám chưa phát hiện ra bệnh, giờ lại ra bệnh này.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế tăng cường văn bản chỉ đạo tránh lạm dụng xét nghiệm và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điển hình Luật Khám chữa bệnh có nhiều nội dung về vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh việc thanh quyết toán, giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cơ sở y tế để kiểm soát các chi phí được triển khai trong thời gian vừa qua.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo những giải phápnày để thực hiện một cách có hiệu quả hơn, tránh phiền hà cho người dân nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.
Giảm tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) nói về mục tiêu cụ thể là giảm tiền túi của người dân trong việc sử dụng dịch vụ y tế, giảm xuống 35% vào 2025. Đến nay đã năm 2023, tỉ lệ này thực tế vẫn luôn hơn 40%. Trong khi mục tiêu giảm tiền túi của người bệnh chính là thể hiện tính ưu việt của xã hội.
Đại biểu muốn biết giải pháp về chính sách, chế độ bảo hiểm y tế để đảm bảo thực hiện mục tiêu này?
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, việc giảm chi tiền túi của người dân liên quan thay đổi mô hình chăm sóc y tế đã được Nghị quyết nêu ra. Để thực hiện, Nhà nước cần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.
Nói về số tiền chi này tăng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay, các mô hình bệnh tật biến đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân cao. Trong khi đó, người bệnh ở giai đoạn ốm mới đến bệnh viện.
Để giảm tiền túi của người dân trong việc khám chữa bệnh, bà Lan cho rằng phải chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững như tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc, tăng cường nhận thức của người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, mô hình tài chính bền vững, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30%đó mới là hệ thống y tế bền vững. Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp tổng thể của ngành y tế sẽ tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.