Bộ trưởng gặp chúng tôi lúc 9h tối tại căn phòng ở nhà công vụ - nơi đã gắn bó với bà từ khi rời TPHCM ra Hà Nội công tác trên cương vị lãnh đạo Bộ Y tế. Sau một ngày họp Quốc hội, dự một số cuộc họp tại bộ, bà chỉ có thời gian dành cho báo chí lúc này. Bà nói đã ăn tối lúc tiếp khách ở bộ. Chưa kịp tẩy trang, sự mệt mỏi sau một ngày làm việc vẫn còn nguyên trên nét mặt, nhưng bà đã chủ động vào câu chuyện ngay.
Bộ trưởng đã kể lại cảm xúc của bà khi nghe tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường - GĐ Thẩm mỹ viện Cát Tường - đã phi tang xác nạn nhân: “Lúc đó tôi đang ở Philippines, và đọc được thông tin trên mạng lúc khoảng 4h30 chiều 22.10. Tôi vô cùng sốc, đau đớn và bàng hoàng. Điều đau đớn nhục nhã là bệnh nhân đã bị chết lại còn bị vứt xác bởi chính người thầy thuốc đã phẫu thuật cho mình. Lên xe ôtô, lúc trước tôi cầm điện thoại trong tay mà lúc này không nhớ là mình đã để điện thoại ở đâu nữa.
Tìm được, tôi điện thoại ngay về Việt Nam, yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên triệu tập ngay một cuộc họp, mời Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe T.Ư, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội lên để báo cáo chi tiết sự việc, nguyên nhân và bàn xem phải làm gì, trách nhiệm của Bộ Y tế trong sự việc này ra sao. Cuộc họp đó đã kéo dài từ 6 - 7h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Tôi đã yêu cầu ngay BV Bạch Mai và Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan công an để nhanh chóng làm rõ sự việc. Thời gian qua, trong ngành y đã xảy ra nhiều việc không mong muốn. Sự việc 3 cháu bé sơ sinh ở Quảng Trị, trên facebook, blog có những ý kiến khác nhau, tôi đã stress suốt cả mấy tuần. Lúc này, với chuyện xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, tôi cũng như vậy, căng thẳng từ hôm đó đến nay.
Dư luận có những diễn đàn chỉ trích việc bà không đến thăm gia đình những cháu bé tử vong sau tiêm vaccine ở Quảng Trị. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, bà có làm khác đi không?
- Phản xạ tự nhiên của tôi lúc đó là rất muốn đến chia buồn với các gia đình. Lúc đó, tôi đang dự lễ khởi công xây dựng tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ. Đi cùng tôi lúc đó có anh Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, anh có nói rằng nếu bây giờ tôi đi vào gia đình 3 cháu nhỏ ở cách đó hơn 50km thì lộ trình chuyến công tác sẽ phải thay đổi, kéo dài đến ngày hôm sau, nên khuyên tôi chưa nên đến.
Vì thế, tôi vẫn nợ một lời xin lỗi với họ. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, lúc đó tôi sẽ đến thăm và chia buồn với gia đình các cháu. Là người rất yêu trẻ con, nên đi đến các khoa sản, lúc nào tôi cũng muốn bồng các cháu. Hơn nữa, xuất phát là người của y tế dự phòng, tôi đã nhiều năm gắn bó với công tác tiêm chủng từ những ngày khi đến tiêm cho trẻ em, chúng tôi còn bị người dân phản đối, vác gậy đuổi đánh nên tôi cũng muốn đến với các anh chị em làm tiêm chủng.
Nếu một sinh viên ngành y – bác sĩ tương lai - hỏi Bộ trưởng nhìn nhận về sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng sẽ nói gì?
- Là công dân thì phải tuân theo pháp luật. Là con người bình thường có văn hóa thì phải có nhân cách. Là thầy thuốc phải chấp hành những quy định chuyên môn, đạo đức của ngành. Tôi rất chia sẻ với các bác sĩ hiện nay phải làm thêm ngoài giờ. Hai vợ chồng tôi cũng đều là BS, chúng tôi cũng từng phải làm thêm như vậy. Nhưng làm ở đâu cũng vẫn phải giữ lấy chữ đức chứ.
Việc làm mất nhân tính của bác sĩ Tường thì chúng tôi không bao giờ bảo vệ. Đành rằng hàng triệu bác sĩ mới có 1 người như thế, nhưng quá cay nghiệt. Là người đứng đầu ngành y tế, tôi cũng thấy ngượng với ngành. Án cho hành vi xâm phạm thi thể có thể không lớn, nhưng sự lên án của xã hội sẽ là vô cùng lớn.
Sau sự việc xảy ra, không chỉ có tôi bàng hoàng, mà cả ngành y đều bất bình. Ngay cả các chị em ở Bộ Y tế, một số chị em đợi tôi đi công tác ở Philippines về liên hoan ngày Phụ nữ 20.10, nhưng khi xảy ra chuyện này rồi, ai cũng oải luôn.
Vậy sau sự việc này, Bộ trưởng sẽ làm gì để tránh tái diễn những sự việc tương tự?
- Hiện nay, việc cấp phép, kiểm tra giám sát hoạt động của các phòng mạch, phòng khám, cơ sở y tế tư nhân là do cấp TP, cấp quận/huyện thực hiện. Nhưng trên thực tế, cấp xã/phường mới nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở trên địa bàn. Ngành y tế cũng không thể làm hết được, cần có sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Chính phủ.
Vì thế, chúng tôi đang xây dựng thông tư để có thể giao trách nhiệm quản lý giám sát cho cấp phường, cụ thể là UBND phường và trạm y tế xã/phường nắm ai hành nghề khám - chữa bệnh gì, có giấy phép không, có làm đúng thẩm quyền ghi trong giấy phép. Khi đó, thuế thu được từ các cơ sở kinh doanh này cũng cần trích lại cho phường, như vậy phường vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi, việc giám sát sẽ hiệu quả hơn hiện nay.
Những tai nạn xảy ra với trẻ sơ sinh như vậy rõ ràng là đáng tiếc. Bộ trưởng có thể nói gì về việc theo thống kê mỗi ngày ở Việt Nam vẫn còn có khoảng 30 trẻ sơ sinh tử vong?
- Con số đó nếu chỉ đứng độc lập thì có vẻ rất đáng sợ. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm được đến con số đó là thành tựu, nỗ lực rất lớn trong chăm sóc sức khỏe. Thế giới đánh giá cao việc Việt Nam đã đứng ở 7/74 nước có tỉ lệ tử vong sơ sinh, tử vong mẹ giảm nhiều nhất.
Với tỉ lệ này, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là điểm sáng, đứng xếp hạng cao hơn Philippines, Indonesia. Các thành tựu về tiêm chủng ở Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao. Việt Nam đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế viêm gan B dưới 2% dân số.
Là đất nước sau chiến tranh, mới vươn lên mức có thu nhập bình quân trên đầu người là 1.000USD/năm, Việt Nam đã đạt được 8 mục tiêu thiên niên kỷ. Để có được kết quả ấy, việc đạt được mục tiêu về y tế đã góp phần không nhỏ.
Cả 2 sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine ở Quảng Trị và Thẩm mỹ viện Cát Tường đều còn dang dở. Chừng nào sự việc còn chưa được khép lại, dư luận sẽ vẫn còn tiếp tục có ý kiến. Bộ trưởng nói với chúng tôi rằng, hơn ai hết bà rất nóng lòng, vẫn thường xuyên giục các anh bên Bộ Công an sớm làm rõ nguyên nhân vụ 3 cháu tử vong để công bố rộng rãi người dân biết, và hiểu nữa.
Sau sự việc đó, nhiều anh chị em làm công tác tiêm chủng có tâm lý hoang mang, không dám tiêm cho các cháu nhỏ nữa. Vì thế, công tác tiêm chủng mở rộng đã bị ảnh hưởng.
Tâm lý cán bộ y tế nói chung cũng như vậy, sinh viên khi bước chân vào trường ĐH Y cũng bị sức ép ấy. Những người làm không tốt, làm sai chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân tới cả ngành y tế.
“Ngành y rủi ro lớn, giống như người lái xe khi cầm vô lăng khi ra đường ấy, không ai nói trước được điều gì, nhưng vẫn phải cho xe chuyển bánh. Là người đứng đầu ngành, tôi chỉ mong mỗi bác sĩ, mỗi cán bộ y tế khi bắt đầu ngày làm việc, hãy nhớ rằng cần phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình để không bao giờ phải làm con sâu ấy mà thôi”.
Theo Lao động