Trước những diễn biến phức tạp và gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.Hà Nội thời gian qua, cuộc họp khẩn của bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì về công tác phòng chống SXH đã được tổ chức.
Theo nhận định của bộ Y tế, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước. Tại khu vực miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch do đó miễn dịch cộng đồng giảm.
Dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài vì một số nguyên nhân sau:
Do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển; điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội: 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).
Tác nhân gây bệnh là virus Dengue có 4 týp là D1, D2, D3, D4. Các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai týp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm týp D4, vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc tơ phát triển.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) thông tin, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 22 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu ở phía Nam. Riêng tại miền Bắc một số tỉnh tăng là Hà Nội, Nam Định...
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng chỉ rõ, qua giám sát cho thấy ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện, công tác phòng, chống SXH được các cấp rất sát sao nhưng tại một số nơi ở tuyến cơ sở vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, khi qua kiểm tra cho thấy trong khuôn viên nhà ở vẫn còn nhiều tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy.
"Năm nay, số lượng bọ gậy tăng và có hơn 30 tác nhân chứa nguyên nhân gây ra lăng quăng, bọ gậy", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến ngày 21/7 chỉ có gần 1.000 trường hợp sốt xuất huyết vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, trong đó có 798 ca, chiếm 85% là ở Hà Nội.
Tuy nhiên, chỉ trong 10 ngày từ 21/7- 10/8 đã có 2.027 ca sốt xuất huyết vào bệnh viện này, trong đó có 1.766 ca là Hà Nội, khoảng 10% trong số đó nhập viện. Hiện tại, ở cơ sở 1 của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 314 giường bệnh, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân SXH. Ngoài ra, tại các bệnh viện khác như Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông... số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng dự đoán số ca mắc SXH tại Hà Nội sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi sinh viên từ các tỉnh thành về Hà Nội nhập học.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền người dân về phòng chống muỗi đốt, nằm màn và bôi thuốc muỗi. Đồng thời quyết liệt diệt lăng quăng, bọ gậy và phun muỗi.
Trong công tác truyền thông tránh gây hoang mang cho người dân. Đối với người dân, khi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Chỉ nhập viện khi bác sĩ chỉ định. Tại cộng đồng khi mắc bệnh cần ăn thức ăn lỏng, uống nước nhiều, đặc biệt là orezol, chườm mát cơ thể, tránh để mất nước.
Về phòng bệnh, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội cần phun muỗi “hạ hỏa” trong nhà, sẵn sàng cung ứng thêm hóa chất, phương tiện để phục vụ Hà Nội phun muỗi. Cần phải tổ chức thành chiến dịch quyết liệt. Phun ở trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng với tần suất 3 lần/tháng.
Bộ trưởng cho rằng, cần tăng thêm xe và máy phun hóa chất cỡ lớn. Về nhân lực phun hóa chất và máy phun sương nếu thiếu quá thì huy động các tỉnh. Bộ trưởng yêu cầu ngay trong ngày 11 và 12/8 phải huy động được thêm xe và máy phun to. Bộ trưởng cho biết, sẽ đi kiểm tra việc thực hiện yêu cầu này.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện phải nâng cao hiệu quả điều trị hơn nữa, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng chuyển bệnh nhân về cơ sở 2. Nếu thiếu xe vận chuyển cần thuê xe vận chuyển bệnh nhân. Tránh để bệnh nhân phải nằm ghép, nằm hội trường gây hoang mang và vất vả cho người dân. Trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng đang có bệnh nhân nên các bệnh viện không được lơ là.
Nguyễn Huệ