Thu hồi sim rác, bài học về sự đồng lòng
Trong chiến dịch thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các mạng di động lần này, bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đạt được con số ấn tượng khi trong lịch sử hơn 20 năm phát triển thì đây là lần đầu tiên chúng ta thu hồi 16 triệu sim đã kích hoạt sẵn.
Chiến dịch xử lý sim rác lần này của bộ TT&TT được cho là quyết liệt và triệt để nhất từ trước đến nay. Nó được kỳ vọng là sẽ mang lại một diện mạo mới cho thị trường di động, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, công bằng.
Trong đó, Viettel nổi lên là nhà mạng có số thuê bao trả trước bị “tình nghi” kích hoạt sẵn nhiều nhất, tỉ lệ sim bị khóa cũng cao nhất. Số lượng sim bị thu hồi của VNPT VinaPhone thấp nhất trong số 3 nhà mạng lớn.
Cụ thể, trong đợt kiểm tra ngày 23/01, trong tổng số hơn 2 triệu sim bị thu hồi, chỉ có 435.000 sim của VNPT VinaPhone. Số sim bị thu hồi của MobiFone và Viettel lần lượt là 825.000 và hơn 900.000 sim. Trong đợt thu hồi gần đây nhất, hơn 789.000 sim đã bị thu hồi, trong đó số lượng sim của VNPT VinaPhone chỉ chiếm 12,5%; MobiFone chiếm 9,4%, còn lại gần 78% là sim Viettel. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm vai trò của Viettel vấn đề quản lý sim.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, Bộ trưởng bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng biểu dương các doanh nghiệp di động, VinaPhone, MobiFone và đặc biệt là Viettel trong việc cam kết thu hồi sim đã kích hoạt sẵn để thực hiện việc đẩy lùi vấn nạn sim rác, tin nhắn rác.
Bởi lẽ, từ nhiều năm nay vấn nạn sim rác đã tồn tại nhưng lại chưa giải quyết triệt để. Một phần nguyên nhân cũng xuất phát vì vấn đề lợi ích của nhiều bên: Nhà mạng - được hưởng lợi vì điều này giúp phát triển số lượng thuê bao di động; Đại lý sim/thẻ - khai báo sẵn thông tin không chính xác và duy trì sim tồn tại thì sẽ có được doanh số/lợi ích nhất định; Người dùng - cũng được lợi từ các sim mới được khuyến mại nhiều. Chính vì những lợi ích đó mà vấn đề này đã tồn tại một thời gian dài như một hệ lụy tất yếu của kinh tế thị trường.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc phát triển thuê bao trả trước tràn lan thiếu sựu giám sát đã làm phát sinh tình trạng sim rác và dẫn tới việc lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Đồng thời, vấn nạn sim rác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin quốc gia.
“Đây chính là bài học về sự đồng lòng của sự hợp tác. Tôi nhấn mạnh vai trò làm gương của Viettel. Các doanh nghiệp phải tiếp tục đồng lòng vì sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Liều thuốc đã đủ mạnh để chữa trị "căn bệnh" lâu năm
Đứng trên quan điểm một người sử dụng dịch vụ viễn thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn luôn kì vọng rằng, các dịch vụ viễn thông sẽ không mang đến cho người sử dụng những phiền phức, thông tin phiền hà mà chất lượng dịch vụ viễn thông sẽ ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của mọi người dân.
Còn trên vai trò là “tư lệnh” ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin nói chung, bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ thông tin tiếp tục có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa và không chạy theo những lợi ích, thành tích như việc phát triển doanh số, thuê bao mà gây ra các vấn nạn như thuê bảo ảo, sim rác.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra, bộ TT&TT cũng đưa ra quan điểm: “Việc thực hiện thu hồi này có công tác giám sát chéo giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là sự giám sát rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cam kết thu hồi sim, nếu giám sát không tốt, chỉ cần một doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Khi thu hồi sim, bản thân doanh nghiệp đó sẽ bị giảm số lượng thuê bao, giảm doanh thu, giảm thị phần.
Một doanh nghiệp không nghiêm túc thì sẽ bị thiệt, các doanh nghiệp khác lại có lợi nên đòi hỏi phải có sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Để tạo ra sự công bằng, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước”.
Tổng Giám đốc điều hành VNPT, đơn vị chủ quản của mạng di động Vinaphone, ông Phạm Đức Long chia sẻ: “Nếu tiếp tục để tình trạng sim rác, tin nhắn rác tràn lan như hiện nay thì đối với các doanh nghiệp viễn thông, cái hại nhiều hơn cái lợi, gây ra những hệ lụy cho cả khách hàng và các nhà mạng”.
Phía đại diện của VNPT cũng thừa nhận những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải trong quá trình xử lý sim rác. Đơn cử, đến cuối năm 2016 tổng đài của họ đã tiếp nhận khoảng 25 nghìn cuộc gọi phản ánh về việc sim bị khóa. Như vậy, tổng số khiếu nại đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
“Theo quy định, chủ các sim bị khóa phải tới các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để đăng ký lại. Nhưng các cửa hàng của chúng tôi chủ yếu tập trung tại thành phố và thị trấn, nên sẽ khó khăn đối với các khách hàng ở xa”, đại diện nhà mạng chia sẻ.
Và có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng vấn nạn tin rác đã được giải quyết song thực tế là hiện tình trạng tin nhắn rác đã được cải thiện đáng kể.
Những tác động của chính sách siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước và cam kết thu hồi sim đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối cho thấy đây là liều thuốc mạnh đang từng bước chữa trị căn bệnh sim rác, tin nhắn rác lâu nay bấy lâu nay đang gây nhiều bất ổn cũng như hệ luỵ cho xã hội.
Nguyễn Huệ