Sáng ngày 20/7, bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác tư pháp quý II/2018. Tại đây, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực – bộ Tư pháp đã trao đổi 1 số thông tin liên quan đến việc đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư của chủ tịch UBND TP.Hà Nội tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương vừa qua.
Theo ông Khanh cho biết: "Luật Hộ tịch đã quy định, tất cả những thông tin hộ tịch như khai sinh, kết hôn, khai tử… được coi là cơ sở đầu vào của dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở này bao gồm toàn bộ thông tin của người dân Việt Nam và mỗi người dân sẽ được thu thập 15 trường thông tin và 15 trường thông tin đó được mã hóa dưới 12 chữ số. Trong 15 trường có 9 trường là thông tin hộ tịch bao gồm họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc….
Với tư cách là thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin Hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Việc bảo mật với cơ sở hộ tịch nói chung và cá nhân nói riêng đã được quy định rõ trong luật Hộ tịch".
Ông Khanh phân tích, việc bảo mật thông tin hộ tịch được quy định rõ trong Điều 59 và Điều 61 của luật Hộ tịch. Điều 59 quy định rất rõ về nguyên tắc kết nối, khai thác sử dụng thông tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch nói chung.
Còn Điều 61 luật Hộ tịch quy định: Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm bí mật cá nhân trong cơ sở dữ liệu hộ tịch.
“Nguyên tắc bảo mật Điều 61 quy định rất rõ chỉ những cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền mới được khai thác thông tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Như vậy, hiện nay bất cứ 1 cơ quan tổ chức cá nhân nào chưa nằm trong quy định mà tự do khai thác những thông tin này đều bị coi là bất hợp pháp”, ông Khanh tiếp tục nhấn mạnh.