Trên báo Giáo dục & Thời đại, cô Ngô Thị Thanh Bình, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã có một số chia sẻ cho thí sinh tham khảo các kỹ năng để làm tốt môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Theo cô Ngô Thị Thanh Bình, nắm chắc cấu trúc đề thi là bước quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị, giúp phân bổ thời gian ôn luyện hiệu quả.
Theo đó, các thí sinh cần nắm chắc cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh. Dựa vào đề minh họa do Bộ GD&ĐT công bố ngày 1/3 vừa qua, các em có thể nắm được cấu trúc và ma trận của đề thi.
Về cơ bản, đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh gồm 50 câu bao quát gần như toàn bộ ngữ pháp và từ vựng Tiếng Anh THPT trong 6 chuyên đề (Ngữ âm, Ngữ pháp, Từ vựng, Chức năng giao tiếp, Kỹ năng đọc, Kỹ năng viết).
Cụ thể, ở phần Ngữ âm: Cách phát âm của phụ âm (thường ở mức độ Nhận biết); Cách phát âm của nguyên âm (thường ở mức độ Nhận biết); Trọng âm của từ 2 âm tiết (thường ở mức độ Nhận biết); Trọng âm của từ 3 âm tiết (thường ở mức độ Nhận biết).
Phần Ngữ pháp – Từ vựng: Câu bị động (thường ở mức độ Nhận biết); So sánh (thường ở mức độ Nhận biết); Sự kết hợp thì trong câu phức (thường ở mức độ Thông hiểu); Giới từ (thường ở mức độ Nhận biết); Câu hỏi đuôi (thường ở mức độ Nhận biết); Thì (thường ở mức độ Thông hiểu); Mạo từ (a/an/the) thường ở mức độ Thông hiểu.
Dạng của động từ (V-ing/ to V/ Vinf.) - thường ở mức độ Thông hiểu; Từ loại (adj/N/V/ Adv) thường ở mức độ Nhận biết; Từ vựng (thường ở mức độ vận dụng/ vận dụng cao); Cụm động từ (thường ở mức độ vận dụng); Cụm từ cố định (thường ở mức độ vận dụng); Thành ngữ (thường ở mức độ vận dụng cao);
Đồng nghĩa/ Trái nghĩa (thường ở mức độ thông hiểu/vận dụng/vận dụng cao) gồm Từ đơn; Cụm từ hoặc thành ngữ. Tìm lỗi sai (thường ở mức độ nhận biết/ thông hiểu /vận dụng cao) gồm: Thì của động từ; Phép quy chiếu (Quy chiếu chỉ ngôi gồm ba loại: đại từ nhân xưng, tính từ sở hữu và đại từ sở hữu); Từ vựng.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần chú ý tới phần Chức năng giao tiếp; phần Đọc hiểu và phần Viết lại câu.
Theo cô Ngô Thị Thanh Bình, sau khi nắm được cấu trúc và ma trận đề thi, thí sinh nên tự tổng hợp các kiến thức ngữ pháp mà có thể xuất hiện trong đề thi vào một quyển sổ/vở.
Việc tự viết ra các cách sử dụng và các công thức ngữ pháp sẽ giúp việc ôn tập hệ thống kiến thức một cách hiệu quả. Đồng thời với quyển vở/sổ tay tổng hợp đó, học sinh có thể xem lại các kiến thức mà mình quên trong quá trình luyện đề mà không phải mất nhiều thời gian tra cứu trên mạng hoặc các tài liệu khác.
Cô Bình cũng lưu ý, khi thí sinh tự tổng hợp kiến thức, các em nên lập bảng hoặc đóng khung các công thức hoặc gạch bằng bút "highlight" các đề mục hoặc các phần quan trọng cần chú ý.
Bên cạnh đó, kỹ năng tự học từ vựng cũng rất quan trọng. Trong quá trình luyện đề sau khi làm xong một đề, các em nên viết các từ hoặc cụm từ hay các phrasal verbs hoặc idiom mà mình không biết ra vở và trước khi đi ngủ các em nên xem lại và học thuộc.
Để có thể nhớ được các từ hoặc các cụm từ đó, thí sinh nên viết cả phiên âm và trọng âm vì chỉ khi các em đọc được các từ đó, học sinh mới có thể nhớ được những từ đó và nghĩa của chúng. Không nên chỉ học thuộc nghĩa của một từ hoặc cụm từ đơn lẻ mà nên gắn các từ hoặc cụm từ đó trong câu, cách làm này giúp các em nhớ từ lâu hơn.
Liên quan đến việc ôn luyện môn tiếng Anh, cô Phạm Thị Duyên , giáo viên Trường THPT Đào Duy Anh (Thanh Hóa) lưu ý thêm, ngoài việc nắm hết các kiến thức, kỹ năng cần đạt theo cấu trúc đề, học sinh cần có chiến thuật ôn luyện theo các chuyên đề ngữ pháp, từ vựng, các dạng bài phát âm, trọng âm, tìm lỗi sai, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đọc hiểu…
Đặc biệt, học sinh cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được với môn tiếng Anh. Với mục tiêu 5-6 điểm thì các em phải chắc chắn làm được 70% số lượng câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu. Nếu muốn đạt điểm 7 trở lên cần tập trung thêm vào nhóm câu hỏi vận dụng thấp và vận dụng cao.
Cô Duyên lưu ý, với phần ngữ âm, học sinh cần nắm vững quy tắc nhấn trọng âm, phát âm… Để rèn giũa và nhớ lâu hơn, nên luyện tập nhiều đề cùng dạng.
Với phần đọc hiểu, học sinh cần có lượng từ vựng ổn định, khi làm bài phải biết cách xác định từ khóa. Ngoài ra, trau dồi thêm về phương pháp loại trừ nếu gặp phải những từ mới.
Về phần ngữ pháp và từ vựng, học sinh đã được học trong suốt quá trình học tập. Ở giai đoạn này, thí sinh nên dành thời gian để ôn tập lại những kiến thức trọng tâm theo sự giảng dạy của giáo viên.
Theo cô Duyên, với bất kì môn thi nào, học sinh cũng cần dành phần lớn thời gian để luyện đề. Trước khi luyện đề, các em nên nghiên cứu kỹ cấu trúc đề, chia nhỏ từng phần kiến thức và ôn tập theo từng dạng. Khi đã làm nhuần nhuyễn các dạng bài, học sinh bắt tay vào giải đề của các năm trước hoặc đề tham khảo ở các tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, không nên luyện tràn lan không có chọn lọc, dễ dẫn đến bị loãng kiến thức. Học sinh chỉ cần làm vừa đủ nhưng phải chấm chữa kỹ, ôn tập lại những câu sai để khắc phục triệt để thiếu sót.
Đồng quan điểm, cô Ngô Thị Thanh Bình cũng nhận xét, thực tế nhiều học sinh sau khi làm xong một đề không có thói quen xem lại hoặc ghi chép lại các kiến thức hoặc từ vựng mà mình quên hoặc chưa biết. Đây là lý do vì sao rất nhiều em luyện rất nhiều đề nhưng điểm số vẫn không cải thiện. Nếu các em dành một chút thời gian xem lại đề mà mình vừa làm thì sẽ không bị lặp lại lỗi sai mà mình đã mắc nữa và có thể rút kinh nghiệm ở những đề tiếp theo.
Vậy nên, thay vì chạy theo số lượng và làm hết đề này đến đề khác liên tục, thí sinh nên làm đề một cách chất lượng như làm xong một đề cần check đáp án, ghi chép và xem lại toàn bộ đề.
Hầu hết các đề mà học sinh được các thầy cô cho luyện tập sẽ giống với cấu trúc đề thi thật nên trong quá trình luyện thi Tiếng Anh THPT quốc gia, các em cần phân bố thời gian giải đề giống như đang làm bài thi thật. Thường thì, thời gian mà cô yêu cầu học sinh làm các câu trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng là 30 giây/câu; câu nào mà mình chưa biết thì tạm để lại. Thời gian còn lại các em dành cho các bài đọc (khoảng 10-15 phút cho 1 bài đọc) và các câu khác.
Với những câu chưa làm được ngay, các em nên đánh dấu để khi quay lại làm những câu này sẽ dễ dàng nhìn thấy và không bỏ sót câu đó. Nếu các em luyện được thói quen đánh dấu các câu chưa làm được ngay từ khi luyện đề sẽ tiết kiệm được thời gian và tránh được việc mất điểm “oan” trong đề thi thật vì bỏ sót câu.
Trong quá trình luyện đề, thí sinh nên tìm chiến lược làm bài hợp lý, phù hợp với khả năng và sở trường. Học sinh không nhất thiết phải làm bài theo thứ tự trong đề luyện, các em có thể chọn phần nào mình làm tốt nhất thì làm trước, phần không phải sở trường của mình thì làm sau. Không nên tập trung quá nhiều thời gian vào 1 câu hoặc 1 phần nào đó mà dẫn đến không kịp thời gian cho những phần khác. Khi các em hình thành được thói quen làm đề theo khả năng của mình thì sẽ đạt được hiệu quả cao nhất trong kỳ thi thật.
Ngoài ra, thí sinh cần luyện cho mình thói quen đọc yêu cầu đề bài. Nhiều học sinh thường làm bài theo thói quen mà không để ý yêu cầu của đề bài, đặc biệt là loại bài tìm từ đồng nghĩa, ngược nghĩa. Do đó các em phải gạch chân hoặc khoanh tròn những từ khóa trong đề bài trước khi làm để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Một điều quan trọng không kém là các em luyện cho mình thói quen đọc hết câu. Lỗi này thường gặp ở các học sinh khá giỏi, các em thường chủ quan chỉ đọc 1/2 câu và cảm thấy đúng liền vội vàng khoanh đáp án mà không hề biết rằng có khi thông tin còn lại có thể làm thay đổi nghĩa của câu. Bởi vậy, các em hãy luyện cho mình sự bình tĩnh kiên nhẫn đọc hết câu mà đề bài đã cho rồi sau đó mới chọn đáp án.
Trong quá trình luyện thi Tiếng Anh THPT, thí sinh hãy dành ra quỹ thời gian của mình cho việc học và chia nhỏ thời gian cho những chủ điểm khác nhau. Nếu em dành ra 2 tiếng/ngày cho việc học Tiếng Anh, thì hãy bớt 50 phút để luyện đề, 20 phút để chữa đề, 20 phút để học từ mới và 30 phút để bổ sung kiến thức ở những phần còn yếu. Tùy thuộc vào điểm yếu và điểm mạnh của bản thân để điều chỉnh việc chia nhỏ thời gian, giúp quá trình luyện thi Tiếng Anh THPT đạt kết quả cao.
Minh Hoa (t/h theo Giáo dục và Thời đại, Lao Động)