Chào ông Thành, trong thời gian gần đây, một số Di sản văn hoá đang “kêu cứu” vì bị xuống cấp, Cục Di sản Văn hoá có những động thái gì để tu tạo những di tích này thưa ông?
Các Di tích được xếp hạng được UBND các cấp nơi có Di tích quản lý, liên quan đến vấn đề tu tạo các công trình này thì kinh phí được cấp về cho địa phương và địa phương phân bổ lựa chọn các Di tích xuống cấp ở các cấp độ khác nhau để tu bổ.
Kể cả những Di tích Di sản cấp Quốc gia thì kinh phí cũng là ở các địa phương chủ động tu tạo, bộ VH,TT&DL không có chương trình hỗ trợ kinh phí. Cơ bản là các Di tích đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp. Định kỳ khoảng 10-20 năm mới có Di tích xuống cấp ở mức độ nhỏ, mức độ lớn thì UBND các cấp phải xây dựng kế hoạch tu tạo các Di tích này.
Quy trình một Di tích được công nhận xếp hạng là như thế nào, thưa ông?
Bộ VH,TT&DL có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể rồi. Địa phương, những người sở hữu Di tích chủ động đề xuất lên trên theo Luật Di sản Văn hoá. Sở Văn hoá Thể thao các tỉnh sẽ là đầu mối thẩm định hồ sơ để trình lên các cấp như: Tỉnh hoặc bộ VH,TT&DL. Cục Di sản Văn hoá là cơ quan tham mưu cho Bộ để xem xét hồ sơ xếp hạng. Cục có một Hội đồng có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau như các nhà Sử học, nhà khảo cổ, nhà khoa học tham gia xếp hạng Di tích.
Cục Di sản Văn hoá có 2 bước để tham mưu cho Bộ để duyệt xếp hạng Di tích: Bước 1 là đề nghị địa phương trích ngang Di sản, sau đó Cục xin ý kiến các Viện liên quan, như nếu Di sản liên quan đến Lịch sử thì gửi Viện Sử học cho ý kiến đánh giá, nếu thấy hồ sơ khả quan, Cục sẽ thông báo cho địa phương làm hồ sơ gửi lên. Bước 2 là các thành viên Hội đồng thẩm định lại một lần nữa các hồ sơ này. Khi đã có bước 1 rồi thì các hồ sơ bị loại hạn chế đi rất nhiều. Bởi hồ sơ có bản đồ, con dấu nhiều cơ quan, nếu không được danh hiệu rất tốn công, tốn sức. Trong khi làm trích ngang, chúng tôi cũng phải loại, đặc biệt là Hà Nội, nhiều công trình không đủ để xếp hạng.
Vậy trách nhiệm của Cục như nào đối với các Di sản đang xuống cấp, kêu cứu?
Nhiều chứ, chúng tôi xây dựng hệ thống văn bản cho địa phương quản lý, tu bổ Di tích cho tốt. Hệ thống văn bản đó được Chính phủ và Uỷ Ban văn hoá Giáo dục của Quốc hội đánh giá là tốt. Các tổ chức của UNESCO cũng đánh giá cao các văn bản của chúng tôi. Chúng tôi thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức các khoá đào tạo để đánh giá các Di sản. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân ở khu di tích hiểu và yêu Di tích. Phát huy những Di sản thế giới.
Hiện ở Việt Nam có 3500 Di tích cấp quốc gia. Công trình cứ đủ điều kiện thì được xếp hạng thôi. Kinh phí xây dựng cũng do địa phương đề xuất, lựa chọn di tích nào làm hồ sơ. Địa phương chủ động hết, làm hồ sơ, kinh phí tu tạo. Nhiều địa phương đang kêu gọi kinh phí từ nguồn xã hội hoá, điều này rất tốt. Bộ hiện tại không có nguồn kinh phí cho việc tu tạo Di tích văn hoá.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!