Sáng 22/12, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VH,TT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành VH,TT&DL trong năm 2022, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Phó Thủ tướng mong ngành quan tâm hơn nữa tới đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật bằng chế độ, chính sách cụ thể; động viên, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư cho văn hoá, nghệ thuật. Đối với lĩnh vực du lịch, hướng tới phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho hay, Đảng ta đã rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế phải hài hòa với văn hóa ở từng giai đoạn phát triển và gần đây Việt Nam tiên phong trong phát triển bền vững. Trong xếp loại phát triển bền vững, Việt Nam chúng ta đứng thứ 51 so với các nước trên thế giới. Môi trường, xã hội, văn hóa đều tăng bậc nhưng cũng phải nhìn thẳng sự thật là trên các văn kiện, nghị quyết của ta đều rất chú ý nhưng việc thực hiện so với mong muốn vẫn còn khoảng cách khá xa.
"Xã hội, văn hóa có 3 đặc trưng, thứ nhất, văn hóa là ngành chỉ không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Nên khi đất nước nghèo thì những ông đi xin tiền và tiêu tiền bao giờ cũng thành thứ yếu. Thứ hai, văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, không thể cấp tốc như "cháy nhà chết người".
Cái tốt, ít cũng phải mất một năm mới nhìn thấy rõ kết quả, cái xấu cũng mất nhiều năm mới bộc lộ ra. Và cái xấu đã bộc lộ ra thì cũng phải mất hàng thế hệ hoặc nhiều thế hệ mới khắc phục được. Thứ ba, văn hóa là thứ ai cũng nghĩ mình biết nhưng lại nói rất sai và không bao giờ chịu hỏi chuyên gia nên có những quyết định rất sai. Lâu dần, đội ngũ chuyên gia về văn hóa không được trọng dụng, người ta cũng không tha thiết nữa, dần dần bị mai một đi.
Tôi đã hỏi rất nhiều đồng chí cấp ủy, trong đó có đồng chí phụ trách về văn hóa nhưng cũng không biết được hết về phong tục, tập quán, nếp sống của người dân… Từ lâu không chú ý, bấy lâu nay chỉ có những người làm chuyên văn hóa mới đi kêu những cái này còn bây giờ rất mừng là cả hệ thống đã vào cuộc", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành VH,TT&DL xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Đồng thời, rà soát toàn diện lĩnh vực hoạt động, khẩn trương triển khai mạnh mẽ các giải pháp, trong đó tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hoá.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, sau dịch Covid-19, các hoạt động VH,TT&DL dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy.
SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai được tổ chức thành công hết sức tốt đẹp. Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất, đạt thành tích ghi dấu ấn lịch sử. Hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng, là một trong những điểm sáng, đóng góp tích cực cho sự phục hồi và phát triền kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, yêu cầu toàn ngành cần chuyển hoá các kế hoạch thành việc làm thiết thực; tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp "Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới", tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Tại hội nghị, đại diện Sở VH,TT TP.HCM cho hay, năm 2022, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được Thành phố đầu tư, chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú. Từ phong trào đã phát huy được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả và lan tỏa đến các gia đình trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công tác phòng, chống bạo lực gia đình luôn được quan tâm, thực hiện, phát huy vai trò của gia đình trong giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và tạo nguồn nhân lực cho phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang phát biểu, tỉnh Hà Giang với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tỉnh đã từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch.
Năm 2022, ngay khi Chính phủ cho mở cửa du lịch, Hà Giang đã tổ chức thành công các giải pháp thích ứng linh hoạt trong hoạt động du lịch và tổ chức đón 2,268 triệu lượt khách đạt 147% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt 4.536 tỷ đồng. Lượng khách du lịch tăng góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ tăng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh,
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho hay, năm qua nhiều vấn đề về VH,TT&DL được nhiều địa phương quan tâm và tổ chức nhiều hội thảo ngành có hiệu quả. Văn hoá là 1 trong những trụ cột của ngành, thời gian qua, gần như tỉnh nào cũng tổ chức Hội nghị văn hoá, mức đầu tư cho văn hoá đã được nhìn nhận đúng mức. Ngành du lịch cũng có những bước phát triển sau dịch Covid-19.