Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, anh Hoàng Thanh Minh ở thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã thành công bước đầu nhờ mô hình trồng nho kết hợp với du lịch trải nghiệm khiến vạn người mê.
Bỏ việc lương cao, về quê làm nông dân
Dẫn PV đi thăm vườn nho chuẩn bị cho thu hoạch, anh Hoàng Thanh Minh ở thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, anh từng tốt nghiệp ngành nông lâm của Trường Đại học Hồng Đức.
Sau khi ra trường, anh làm trái ngành ở Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với mức thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng/tháng. Vì đây không phải là công việc yêu thích, năm 2017, vợ chồng anh quyết định về quê để thỏa đam mê với ngành nông nghiệp
Mô hình trồng nho của anh Hoàng Thanh Minh ở thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong 3 vườn nho đầu tiên ở Thanh Hóa.
Theo anh Minh, khi biết tin vợ chồng bỏ phố về "nối nghiệp" nghề nông, gia đình ai cũng giật mình, ra sức khuyên ngăn.
"Mọi người nói với tôi rằng, đã thoát ly khỏi lũy tre làng lại quay về làm gì. Rồi cũng giống như ông bà, bố mẹ, quanh năm vùi đầu vào đồng ruộng, phân tro, biết đến bao giờ mới khá được", anh Minh nhớ lại lời của người thân.
Sau khi về quê, mặc dù đã có kiến thức về nông nghiệp nhưng anh Minh vẫn loay hoay với lựa chọn "trồng cây gì, nuôi con gì" để khởi nghiệp. Nhận thấy khu ruộng của gia đình đang trồng lúa, năng suất thấp nên anh lấy đất, thử nghiệm trồng ổi.
Sau khi cây ổi cho thu hoạch có đồng ra, đồng vào thì vợ chồng anh Minh lại quyết định chuyển 4.000m2 đất sang trồng nho hạ đen. Lúc đó, cây ổi đang phát triển cho thu nhập cao nhưng anh Minh quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích ổi để trồng nho thì anh vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè ngăn cản.
Nhưng với quyết tâm và đã tìm hiểu nhiều về cây nho nên anh Minh vẫn quyết định quyết định chuyển sang trồng 800 gốc nho hạ đen. Sau thời gian trồng, chăm bón, cây nho kém phát triển do bị sâu bệnh và chưa thích nghi được khí hậu.
"Cây nho kị nhất là thời tiết lạnh, khi gặp nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C thì xem như ngừng phát triển để ngủ đông. Vì vậy, kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa cũng có nhiều điểm khác giữa 2 vụ. Vụ thu đông sau khi thu quả, tiến hành dừng các hoạt động chăm sóc để cây tích luỹ dinh dưỡng và nghỉ đông.
Vụ Xuân năm sau, khi thời tiết ấm dần lên thì bắt đầu tiến hành các biện pháp kỹ thuật như bón phân, sử dụng thuốc điều tiết sinh trưởng, thuốc nảy mầm hỗ trợ phá ngủ để mầm non nảy chồi thuận lợi", anh Minh nói về cách chăm sóc cây nho vượt qua mùa đông ở miền Bắc.
Theo anh Minh, vườn nho của gia đình đang thực hiện theo quy trình nông nghiệp hữu cơ nên các khâu chăm bón phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Anh sử dụng phân bò hoai mục, sau 3 tháng ủ sẽ đem bón thúc cho cây. Bên cạnh đó, để cung cấp dinh dưỡng cho cây, anh dùng hạt đậu nành nghiền nhỏ, trộn với chế phẩm sinh học để bón. Đậu nành được xem là đạm thực vật giúp quả thơm, ngọt.
Ngoài ra, cây nho không ưa ngập úng, nhưng cũng cần cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển. Vì vậy, đối với cây nho ở vùng đất Thanh Hóa, cứ 2 ngày anh Minh lại phải tưới cho nho 4 lít nước/gốc. Bên cạnh đó, mỗi tuần phải bổ sung 20 gam chất dinh dưỡng hữu cơ, bón 2 lần để cung cấp lượng thức ăn vừa đủ cho cây.
Ngoài ra, theo anh Minh, quá trình chăm sóc phải căn thời gian phát triển của cây nho để tỉa ngọn giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân. Nếu chăm sóc tốt, nho có thể lưu gốc tới 15 năm. Từ năm thứ 5 trở đi, nho sẽ cho năng suất, chất lượng cao. Công đoạn vất vả nhất là tỉa quả. Từ khi đậu quả đến khi thành phẩm phải tỉa 3 lần quả để loại bỏ nho lép và quả sâu.
Kết hợp du lịch trải nghiệm
Trời không phụ lòng người, năm 2021, vườn nho bắt đầu ra trái. Trong vụ này anh thu hoạch khoảng 1 tấn, thu về hơn 200 triệu đồng. Thấy trồng nho hiệu quả, thu nhập cao, anh Minh mua thêm ruộng, trồng thêm nho sữa, các loài hoa và triển khai mô hình tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hái nho tại vườn.
Sau khi vườn nho của gia đình anh Minh được nhiều người biết đến và muốn thăm quan, trải nghiệm tại vườn nên vợ chồng anh đã quyết định kết hợp làm du lịch. Từ cuối năm trước, rất nhiều trường mầm non, tiểu học cho học sinh trên địa bàn các huyện, thành phố đến trải nghiệm, chụp ảnh tại vườn nho của gia đình anh.
Theo anh Minh như những vụ nho trước, có ngày vườn nho của gia đình anh đón hơn 1.000 người, ngày bình thường thì giao động từ 200 đến 300 người đến thăm quan, chụp ảnh. Vì vậy, thời gian tới, anh Minh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nho để đáp ứng nhu cầu của du khách tới vươn.
Đối với du khách đến tham quan tại vườn anh Minh bán vé 30.000 đồng đối với người lớn, các em nhỏ 15.000 đồng. Hiện anh Minh đang bán tại vườn đối với nho hạ đen là 150.000 đồng và nho sữa Hàn Quốc giá 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, mọi người đến vườn sẽ được thưởng thức nho tại chỗ.
Theo anh Minh, trung bình mỗi ngày, vườn nho của gia đình đón vài trăm khách. Dịp lễ, Tết lên tới cả nghìn khách, mang về doanh thu khoảng 20 triệu đồng/ngày.
Những ngày này khu vườn nho rộng gần 1ha của anh Hoàng Thanh Minh (37 tuổi, thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), luôn nườm nượp khách đến check-in, trải nghiệm hái nho.
"Hiện mỗi năm vợ chồng tôi thu lãi từ 450 đến 500 triệu đồng. Vườn nho này đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, mức lương 6 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ", anh Minh hồ hởi nói.
Ông Lê Văn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Lợi, cho biết, mô hình trồng nho, hoa kết hợp tham quan, trải nghiệm của anh Minh rất hiệu quả, mang lại thu nhập cho gia đình và nhiều lao động ở địa phương.
"Anh Minh có kiến thức về nông nghiệp, nhiệt huyết, đam mê với trồng trọt. Hiện anh là Chủ tịch Hội nông dân xã. Hy vọng anh sẽ có nhiều sáng kiến, hướng dẫn bà con nhân dân phát triển mô hình kinh tế, mang lại thu nhập", ông Anh chia sẻ.
KHÁNH LINH (t/h)