Người đàn ông quyết định bỏ việc lương cao ở nước ngoài, về quê lập nghiệp đó là chàng trai Đinh Đức Phú (SN 1996, trú xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Đang đi lấy cỏ cho hươu ăn, chàng trai trẻ vui vẻ chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi của mình.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì chọn thi vào đại học như bạn bè cùng trang lứa, Phú lại đăng ký theo hệ vừa học vừa làm ngành sửa chữa ô tô ở Nhật Bản, với mức lương khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, công việc tạm bị ngưng trệ, lại lo lắng cho cha mẹ già yếu, anh khăn gói về nước.
Tại quê nhà, giữa lúc dịch bệnh hoành hành, anh Phú muốn làm điều gì đó thiết thực, vừa kiếm được tiền nhưng vừa có thể giúp mọi người bảo vệ sức khỏe.
"Tôi muốn kinh doanh mô hình gì đó phải lạ, ít người làm. Qua tìm hiểu, thấy trong "tứ đại danh dược" của phương Đông có sâm - nhung - quế - phụ. Sâm và quế thì Quảng Nam đã có rồi. Còn phụ ở đây là phụ tử, rễ con của cây ô đầu nhưng loại này không phù hợp với khí hậu địa phương. Do đó, chỉ còn lại nhung hươu là khả thi", anh Phú kể.
Nghĩ là làm, cuối năm 2020, với số vốn tích lũy được trong thời gian ở Nhật Bản, anh Phú vay mượn thêm để đầu tư gần 2 tỷ đồng cải tạo khu vườn của gia đình, xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi hươu sao và mua 15 con giống thuần chủng với giá 35 triệu đồng/con về nuôi thử nghiệm.
Theo anh Phú, việc nuôi hươu sao không quá khó, đây là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh, dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu nên chỉ cần một số kinh nghiệm chăm sóc, nhận biết các bệnh để kịp thời chữa trị. Hơn nữa, hươu sao chủ yếu ăn cỏ, chuối nên chi phí nuôi không cao.
“Trên diện tích vườn gần 2ha, tôi trồng bắp, sắn, khoai và cỏ để làm thức ăn cho hươu. Sau 2 năm nuôi, đầu năm 2023, tôi đã thu được lứa nhung đầu tiên. Trong đàn có 5 con cái sinh sản, nên đến nay tôi đã có tổng 20 con hươu", anh hào hứng nói.
Anh Phú chia sẻ thêm, hươu sao có tuổi thọ khá cao, khoảng 20 năm mới thải loại. Vì vậy, người nuôi có thể khai thác nhung liên tục khoảng 15 năm, theo VietNamNet.
"Thời điểm chuẩn bị lấy nhung, người nuôi phải bồi bổ cho hươu trước 1 - 2 tháng để chúng có sức và nhung đạt trọng lượng, chất lượng tốt nhất. Nhung hươu khi đến lúc thu hoạch chỉ có thời hạn trong 45 ngày, đây là lúc nhung giàu dược chất nhất. Sau đó, nhung sẽ già và tự rụng", anh Phú nói.
Trung bình mỗi năm, một con hươu trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 1 - 2 lứa nhung. Mỗi lứa nhung đạt khoảng 1 - 2 kg. Trên thị trường hiện nhung hươu tươi có giá giao động từ 15 - 20 triệu đồng/kg.
Đặc biệt, nếu trước đây chủ yếu bán nhung hươu tươi cho khách hàng, thì hiện nay anh Phú chế biến nhiều sản phẩm như cao nhung hươu, nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu sấy khô, nhung hươu kết hợp với đẳng sâm, ngâm rượu,…
Hiện, đầu ra của các sản phẩm này tương đối ổn định, nhiều người tìm mua vì những lợi ích mà nhung hươu đem lại cho sức khỏe. Nhờ đó, sau khi trừ hết chi phí, chàng trai 9X này lãi khoảng hơn 600 triệu đồng mỗi năm.
Cũng giống như anh Phú, anh Hồ Ngọc Hiệp (SN 1991, xã Quế Minh,) chọn khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Năm 2019, anh Hiệp thành lập HTX Nông nghiệp Lạc Sơn và xây dựng nông trại trên diện tích 2ha. Anh đang nuôi 100 con heo rừng lai, 5 nghìn con gà và trồng thêm nhiều loại rau quả.
HTX áp dụng quy trình chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó thực phẩm được cung ứng đến tay người tiêu dùng đạt chuẩn sạch theo định nghĩa không tồn dư kháng sinh, không sử dụng hóa chất, không tồn dư hóc môn tăng trưởng.
Ngoài bán các loại thực phẩm tươi sống ra thị trường Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, HTX Nông nghiệp Lạc Sơn còn phát triển mạnh sản phẩm nem thịt theo hướng chuẩn hóa quy trình và thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở sản xuất hơn 6 nghìn chiếc nem và được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2024, sản phẩm nem Lạc Sơn được UBND huyện Quế Sơn công nhận OCOP 3 sao.
"Từ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sạch với thương hiệu Lạc Sơn, cơ sở chúng tôi thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động", anh Hiệp nói.
Theo chị Đỗ Thị Linh Phương, Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp được thanh niên Quế Sơn hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ và gần 70 mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, theo báo Quảng Nam.
"Các mô hình, dự án phát triển kinh tế trong thanh niên chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thương mại dịch vụ. Qua đó đã nâng cao thu nhập cho chính gia đình đoàn viên thanh niên và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Đồng thời góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và tái cơ cấu lao động", chị Phương chia sẻ thêm.
Khánh Linh (t/h)