Sớm nở tối tàn, tiền vốn “bốc hơi”
Tháng 7/2023, tại giao lộ Trường Chinh – Âu Cơ, quận Tân Bình, Tp.HCM, một chi nhánh nhượng quyền của một thương hiệu sữa chua đã gỡ bảng hiệu kinh doanh và trên Googole Maps cũng chỉ báo “bị đóng vĩnh viễn”.
Đây không phải cửa hàng nhượng quyền duy nhất của thương hiệu này phải đóng cửa trong thời gian qua.
Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, rất nhiều chuỗi nhà hàng, quán giải khát ở Tp.HCM từng một thời rầm rộ phát triển mạng lưới theo hình thức xây dựng thương hiệu rồi nhượng quyền, nay chỉ còn lèo tèo vài điểm bán hoặc biến mất không kèn không trống.
Ông Lý Tấn Tài, quản lý và điều hành thương hiệu Phúc Tea nhận định, nhiều thương hiệu phát triển ồ ạt nhưng dần thu hẹp chuỗi là do nhượng quyền theo kiểu “mì ăn liền”.
Muốn nhượng quyền, chủ thương hiệu phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hỗ trợ, sau đó mới mở rộng chuỗi. Chẳng hạn, muốn mở thêm 100 điểm bán thì phải xây dựng được đội ngũ ít nhất là 50 chuyên gia để chăm sóc, hỗ trợ các điểm bán.
Thế nhưng, một số chủ thương hiệu cứ vội nhượng quyền để thu lợi nhuận, sau đó mới xây dựng hệ thống hỗ trợ.
Cũng theo ông Tài, hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có phần mềm quản lý bán hàng chứ chưa có công nghệ quản lý đối tác nhượng quyền.
Các thương hiệu bán lẻ trong nước có nhược điểm là ít vận dụng phần mềm quản lý bán hàng. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ nhượng quyền là gì, vẫn mặc định rằng “tôi đầu tư vốn và thương hiệu thì phải đảm bảo thành công” nên không cùng nhau cố gắng...
“Chủ thương hiệu phải xem nhà đầu tư là đối tác, cùng xây dựng cửa hàng, cùng ăn chia, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Như thời điểm dịch bệnh, chủ thương hiệu phải tự cắt giảm lợi nhuận để nhà đầu tư duy trì được điểm bán, để họ có kinh phí đẩy mạnh quảng bá. Thời gian qua, nhiều thương hiệu bị “chết yểu” đều do thiếu đồng hành với nhà đầu tư”, ông Tài nhìn nhận.
Bà Đỗ Thanh Yến Nhi - Giám đốc Công ty cổ phần Trà, Cà phê An Nhiên (Anni Coffee) cho rằng, nguyên nhân nhiều chuỗi bị sập còn do các chủ thương hiệu không có sự sáng tạo sản phẩm khiến chúng trở nên nhàm chán.
Không giống như trước, ngày nay, món ăn, thức uống không chỉ cần ngon, mà cần ra món mới liên tục. Chẳng hạn, khi có các trào lưu mới về cà phê muối, trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt thì chuỗi phải nhanh chóng bổ sung chúng vào thực đơn để làm hài lòng khách hàng.
Ngoài ra, bà Nhi đánh giá: “Một số chủ thương hiệu chưa chịu tìm hiểu về thị trường, thương hiệu mà mình nhượng quyền, cũng như đánh giá về bài toán kinh doanh. Phải tiên lượng được mô hình của mình phát triển như thế nào trong 2-3 năm tới, mới nghĩ đến chuyện nhượng quyền. Khi mô hình phát triển, sẽ có tình trạng nhái thương hiệu, nên chủ thương hiệu phải ưu tiên cho vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu”.
Rõ ràng pháp lý, đề phòng tranh chấp
Nói về mô hình kinh doanh nhượng quyền, ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home đánh giá, với tư duy ngây thơ "làm quán ăn lãi lắm" nên không ít các mô hình ẩm thực hiện tại đang lợi dụng mô hình "nhượng quyền" để tung ra rất nhiều cam kết “trên trời” với các nhà đầu tư “non kinh nghiệm”.
Ông Tùng kể, có bên nhượng quyền cam kết hoàn vốn trong 3 tháng, thậm chí hoàn vốn trong 10 ngày. Thậm chí, có bên nhượng quyền 0 đồng, miễn phí quản lý, không phải nhập nguyên liệu. Hay có bên kêu gọi gói đầu tư góp vốn 500 triệu đồng, thu về lãi hàng tháng 35 triệu đồng, giá trị sau 24 tháng 840 triệu đồng.
“Những con số cam kết “đẹp như mơ” là kết quả của quán tốt. Nhưng kinh doanh luôn có rủi ro. Chúng ta không thể lấy mức tốt nhất làm định mức trung bình cho cả chuỗi. Và lấy định mức đó để làm "mồi câu" bán nhượng quyền thì càng không được vì đó là gian dối”, ông Tùng khẳng định.
Để nhượng quyền thành công, giá trị thương hiệu là yếu tố quyết định. Theo ông Nguyễn Tiến Hải, đồng sáng lập Phở ‘S, nhà đầu tư có nguồn thu hay không còn phụ thuộc vào giá trị thương hiệu và để bảo vệ được giá trị này, phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, có thương hiệu mới đi vào hoạt động, chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng đã nhượng quyền để kiếm lời. Về nguyên tắc, sau 24 tháng, Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu cho người đăng ký. Một thương hiệu chưa trụ vững tới 24 tháng mà đã nhượng quyền thì khó đánh giá được năng lực phát triển.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hải, một yếu tố khác khiến các thương hiệu chậm phát triển là do thiếu đội ngũ giám sát, vận hành để đảm bảo tính nhất quán trong chất lượng thực phẩm, chất lượng phục vụ giữa các chi nhánh với nhau trong chuỗi.
Trên thực tế, vẫn có không ít nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, thay thế nguyên liệu khiến chất lượng sản phẩm đi xuống hoặc không quản lý nhân viên phục vụ theo đúng cam kết, để nhân viên làm phiền lòng khách hàng.
Ông Trần Nhật Vũ, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Phúc Tea cho hay, Phúc Tea từng gặp thất bại khi triển khai nhượng quyền trong những ngày đầu khởi nghiệp.
"Sau khi vận hành thành công 2 cửa hàng đầu tiên ở Cần Thơ vào năm 2019, chúng tôi hợp tác nhượng quyền cho một người bạn thân ở Nha Trang. Lúc đó, do chưa có pháp lý rõ ràng và chưa phân vai giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền nên dẫn đến xung đột. Thương vụ chỉ tồn tại chưa đầy 1 tháng với sự mệt mỏi của cả hai phía", ông Vũ kể.
Rút kinh nghiệm từ thất bại này, Phúc Tea tìm luật sư tư vấn pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhượng quyền và tự tin phát triển mô hình nhượng quyền cho đến nay.
Trong cơ hội luôn có rủi ro
Trên thực tế, tại Việt Nam, nhượng quyền vẫn chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng chuyên nghiệp. Rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, xây dựng nền tảng chưa chuyên nghiệp, ứng dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ.
Vì thế, kinh doanh nhượng quyền đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp, làm nhiễu loạn thị trường.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Go Global Holdings, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho rằng, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào những trường hợp nhận nhượng quyền thành công mà vội vã đầu tư.
Bởi mô hình này không dành cho tất cả và đã có những người tham gia lỗ nặng. Theo bà Vân, có 3 chìa khóa đầu tư để nhượng quyền thành công.
Thứ nhất, nhà đầu tư phải hiểu chính mình, nhìn nhận bản thân ở các mặt như khả năng tài chính, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị, phong cách sống, quỹ thời gian...
Từ đó, mới có thể tìm được phong cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Trên thực tế, 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết.
Thứ hai, phải tận dụng tối đa nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Bí quyết thành công nằm ở việc nhà đầu tư nhận quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả.
Điều hay và đặc biệt nhất trong nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã có nền tảng hỗ trợ chắc chắn và đây chính là nguồn lực lớn doanh nghiệp mua nhượng quyền phải tận dụng tối đa.
Thứ ba, kết nối, hỗ trợ để cùng nhau phát triển. Các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.
“Nếu có tinh thần doanh nhân, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức, nhà đầu tư có thể mua nhượng quyền và tự vận hành cơ sở.
Còn nếu chỉ muốn đầu tư và hưởng thu nhập thụ động, có thể lựa chọn hình thức đầu tư tài chính, thuê thương hiệu vận hành hộ. Nếu không thích rủi ro, nhà đầu tư nên chọn thương hiệu có chiều dài lịch sử lâu đời, còn nếu thích mạo hiểm và sáng tạo thì có thể chọn thương hiệu trẻ.
Các thương hiệu đã có chỗ đứng thì chi phí nhượng quyền cao và khó đàm phán, còn thương hiệu trẻ sẽ dễ có những thỏa thuận có lợi hơn với chi phí đầu tư thấp hơn”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân tư vấn.