Theo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đến tháng 4, Nhà máy Tân Rai đã sản xuất được 28.600 tấn alumin. Lợi nhuận sau thuế hiện đạt khoảng 896.000 đồng mỗi tấn, hụt hơn 314.000 đồng so với năm 2009. Vinacomin dự tính lỗ kế hoạch khoảng 5 năm thay vì 3 năm như tính toán ban đầu và phải mất hơn 11 năm mới có thể thu hồi vốn. Dự án chậm kế hoạch 2,5 năm và tổng mức đầu tư đến tháng 3 đã tăng hơn 3.600 tỷ đồng. Thực tế, giá bán trên thị trường quốc tế phổ biến là 326,5 đôla mỗi tấn nhưng Vinacomin đã bán cho một doanh nghiệp Việt Nam với giá 340 USD mỗi tấn.
Tại hội thảo ngày 9/5, phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái đánh giá, những gì xảy ra ở Tân Rai cho thấy sự yếu kém của ban quản lý, nhà thầu và chủ đầu tư. Ông Thái cho rằng, dự án không tính đúng tính đủ các chi phí. Với giá bán 340 USD mỗi tấn, giảm đáng kể so với thời điểm khởi động dự án tháng 9/2009 (khi đó khoảng 365 USD), theo ông Thái, dự án không đạt được mục tiêu đề ra và Vinacomin "nắm chắc lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm".
Vinacomin khẳng định Nhân Cơ có lãi còn giới khoa học kiến nghị nên dừng dự án để tránh rủi ro. Ảnh: Lamdong |
Ông Thái bổ sung, nếu giá bán 340 USD mỗi tấn được tính tại cảng biển thì chủ đầu tư sẽ lỗ rất nhiều bởi chi phí vận chuyển qua quãng đường 260 km là không nhỏ. Ngoài ra, chưa kể những yếu tố khác như nhà máy hoạt động 85% công suất thiết kế và không ổn định, đồng đôla mỗi năm mất giá 2% mỗi năm...
Trước đó, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đã thừa nhận những rủi ro có thể có với hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ hiện. Tuy vậy, lãnh đạo Vụ vẫn kỳ vọng dự án sẽ có hiệu quả kinh tế trong tương lai khi kinh tế hồi phục.
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam nhìn nhận, dự án Tân Rai rủi ro cao vì tổng mức đầu tư tăng thêm 30%, giá bán tại tháng 3 chỉ đạt 326,5 USD mỗi tấn giảm hơn 38 đôla so với dự kiến. "Như vậy, dự án Tân Rai đang thua lỗ thực tế chứ không phải 'lỗ kế hoạch'. Dự án Nhân Cơ chắc chắn không tránh khỏi số phận tương tự vì ít thuận lợi hơn", ông Ban đánh giá.
Mỗi năm chậm tiến độ, dự án Tân Rai mất tối thiểu khoảng 70-80 triệu đôla. Ngoài ra, Tân Rai phải chi khoảng 24,6 triệu USD tiền vận tải, Nhân Cơ 38 triệu USD chưa kể chi phí lưu kho, bốc dỡ... Các chuyên gia cho rằng, việc vận chuyển trước mắt chủ yếu bằng ôtô, trong khi giá xăng dầu liên tục tăng càng làm dự án thêm rủi ro.
Hiện dự án Tân Rai đang chạy thử còn Nhân Cơ mới chỉ xây dựng được một nửa. Trong khi các chuyên gia lo ngại về tính khả thi của dự án thì Vinacomin cho rằng, hai dự án chậm tiến độ do dự án có quy mô vốn quá lớn, kỹ thuật và công nghệ phức tạp; tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Việc thi công hồ bùn đỏ kéo dài do ảnh hưởng do sự cố ở Hungary. Năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư còn hạn chế; nhà thầu Trung Quốc còn lúng túng, không lường hết những khó khăn phát sinh.
Để dự án có hiệu quả, Vinacomin đề nghị giảm thuế tài nguyên, phí môi trường từ 30.000 đồng mỗi tấn xuống còn 5.000 đồng. Tuy nhiên, đề xuất này được Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái Thái nhìn nhận: "Vinacomin đã đặt Nhà Nước vào thế phải hy sinh cho mình".
Ngoài vấn đề lỗ lãi, các chuyên gia còn lo ngại về việc áp dụng công nghệ tại dự án bô xít Tây Nguyên. Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Ban quản lý các dự án Than ĐBSH Vinacomin đánh giá, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản bị mắc vào "bẫy giá rẻ" vì đã chọn công nghệ lạc hậu của nhà thầu Trung Quốc trong quá trình đấu thầu. Theo ông Sơn, phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ từ cách đây hơn một nửa thế kỷ.
Ông Sơn phân tích, tổng lượng than cho dự án Tấn Rai khoảng 428.000 tấn mỗi năm và đủ cấp cho máy điện để phát khoảng 1 tỷ kWh mỗi năm. Chi phí than chiếm khoảng hơn 26% giá thành alumin. Ngoài ra, dùng công nghệ ướt thải bùn đỏ vừa lạc hậu vừa nguy hiểm... "Về lâu dài, công nghệ lạc hậu sẽ làm tổn thất tài nguyên lớn, làm giảm một nửa tiềm năng bô xít của Việt Nam cũng như khiến diện tích chiếm đất để khai thác bô xít Tây Nguyên tăng lên", ông Sơn nhìn nhận.
Nhân Cơ tăng 3.500 tỷ đồng so với mức phê duyệt ban đầu. Chậm 1,5 năm so với kế hoạch song Vinacomin khẳng định, dự án này vẫn đạt hiệu quả kinh tế. Dự án alumin Nhân Cơ có khối lượng hoàn thành đạt 51% với tổng giá trị thực hiện của toàn bộ dự án đến ngày 31/3 đạt khoảng hơn 6.800 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ có sản phẩm giữa năm 2014. Tuy nhiên theo chuyên gia cần tính toán lại mức khả thi của dự án. "Do chưa đánh giá đúng đặc điểm những yếu tố bất lợi nên chủ đầu tư đã quá lạc quan. Để đảm bảo an toàn cho dự án, nên dừng triển khai dự án Nhân Cơ", ông Ban nói.
Theo VnExpress