Bỏ xử phạt hôn nhân đồng giới, còn lắm gian nan

Bỏ xử phạt hôn nhân đồng giới, còn lắm gian nan

Thứ 6, 19/04/2013 21:56

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được bộ Tư pháp đưa ra xem xét, thảo luận ngày 9/4 vừa qua. Trong đó đáng chú ý là việc bỏ quy định xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn đồng giới. Điều này đang tạo ra những tranh cãi trái chiều...

Không phù hợp với luật pháp hiện hành

Trao đổi về tính hợp pháp của dự định bỏ xử phạt hành chính với hành vi kết hôn đồng giới, luật sư Lương Văn Tuấn (ở văn phòng luật sư Hà Nội mới) cho biết: "Việc xử phạt hành chính đối với những hành vi kết hôn đồng giới xét về pháp luật hiện hành là đúng. Bởi theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình của nước ta hiện nay, hành vi kết hôn đồng giới bị cấm. Nếu ai vi phạm tất nhiên sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả Hiến pháp của nước ta cũng chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà thôi. Tuy nhiên, xét về mặt nhân quyền thì chuyện xử phạt với hành vi kết hôn đồng giới là không đúng vì xét theo khía cạnh này thì tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, nếu phân tích sâu vấn đề có thể thấy Luật Hôn nhân & Gia đình hiện nay cũng có những điểm không phù hợp với Hiến pháp".

Dẫu vậy, đứng trên mặt luật pháp, việc bỏ xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn đồng giới là mâu thuẫn với chính Hiến pháp và luật pháp hiện nay. Điều 107 của Luật Hôn nhân & Gia đình có ghi rõ là nếu ai vi phạm các điều kiện kết hôn (trong đó có cấm kết hôn đồng giới) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Luật sư Tuấn chia sẻ: "Theo chiều hướng hiện nay, nhất là việc chúng ta đang góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp thì có thể hi vọng Hiến pháp sửa đổi sắp tới sẽ công nhận hôn nhân đồng giới. Vì nếu việc bỏ xử phạt hành chính được thực thi, chúng ta sẽ phải điều chỉnh nó cho phù hợp với những quy định của luật pháp. Khi chúng ta chấp nhận hôn nhân đồng giới nghĩa là chúng ta chấp nhận một tế bào nhỏ nhất của xã hội, đó là gia đình. Trong khi gia đình truyền thống chỉ có một vợ một chồng thì đi kèm với việc công nhận gia đình đồng giới phải xem xét tới nhiều yếu tố khác như: Đó là hôn nhân song nam hay song nữ, rồi vấn đề con cái, vấn đề thừa kế tài sản... Tất nhiên, việc bỏ xử phạt hôn nhân đồng tính còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa mới có thể đánh giá được đầy đủ vấn đề.


Luật sư - Bỏ xử phạt hôn nhân đồng giới, còn lắm gian nan

Nhưng phù hợp với yêu cầu thực tế

Chắc chắn vấn đề hôn nhân đồng giới vẫn còn được bàn luận nhiều trên bình diện xã hội cũng như đối với những nhà làm luật. Tuy nhiên, theo TS. Lê Quang Bình (Viện trưởng viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường), đây là một tín hiệu vui cho những người thuộc giới tính thứ ba. TS. Bình chia sẻ: "Bất kì một vấn đề nào cũng vậy, khi được đem ra thảo luận đều gặp phải những ý kiến trái chiều, nhất là vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi như vấn đề về người đồng tính. Khi đưa ra một điều luật nào đó, nhà làm luật phải tính đến tất cả những yếu tố trong đó có dư luận xã hội. Ở Việt Nam trong năm năm trở lại đây, thái độ với người đồng tính đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Các nhà làm luật đã nắm bắt được xu hướng này và đã có những việc làm rất thiết thực. Xã hội rồi sẽ hiểu ra và thông cảm, rồi họ sẽ công nhận việc hôn nhân đồng giới".

Trao đổi với chính những người trong cuộc, chúng tôi cũng nhận thấy sự đồng tình đối với dự định này. Anh Nông Văn Hiếu (xã Quan Sơn, Chi Lăng, Lạng Sơn), một người thuộc giới tính thứ ba cho biết: "Bản thân những người như chúng tôi vốn có nhiều mặc cảm với xã hội nên việc công khai giới tính của mình vốn đã khó, chuyện kết hôn còn khó khăn hơn nhiều. Bản thân tôi cũng không có ý định kết hôn nhưng tôi rất ủng hộ chính sách này đi vào thực tế. Có thể coi đây là một tin vui đối với những người đồng giới có ý định đi đến hôn nhân. Thực tế thì việc bỏ tiền ra nộp phạt khi kết hôn đồng giới không nặng nề bằng định kiến xã hội. Những người như chúng tôi sợ nhất điều đó. Vì thế, việc bỏ xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn đồng giới như một sự động viên của xã hội và tôi hi vọng trong một thời gian nữa, vấn đề người đồng tính sẽ được xã hội nhìn nhận theo hướng tích cực hơn".

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan như vậy. Trung Anh (Thành viên CLB chuyển giới Ruby, Hà Nội) chia sẻ: "Đó là một chuyện rất vui đối với những người như chúng tôi. Nếu đi vào thực tế thì nó sẽ khuyến khích những người đồng giới đi đến hôn nhân một cách công khai chứ không phải giấu giếm như trước đây nữa. Tuy nhiên theo ý kiến của tôi thì việc này không hề đơn giản. Dự định thì rất hay nhưng để thực hiện được, nó còn gặp phải rất nhiều những khó khăn mà trước nhất là về pháp lý. Nếu làm không tốt chúng tôi thậm chí còn rơi vào những tình huống khó xử hơn nhiều như: Các thủ tục liên quan đến pháp luật, dư luận xã hội phản đối...  Nhất là vấn đề người đồng giới hiện nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì việc dự thảo này chắc chắn phải bàn đi bàn lại là hiển nhiên. Mặc dù chúng tôi đều hi vọng dự luật sẽ sớm được thực hiện nhưng tôi không hi vọng nhiều vào điều này".              

Hôn nhân đồng tính đang được nghiên cứu

Trong một bài trả lời với báo chí, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin rằng: "Việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản và những tác động của nó tới nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như: Quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam. Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi)". 

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.