Liên quan tới thông tin, bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vắc-xin phối hợp 5 trong 1 do Ấn Độ sản xuất để thay thế vắc-xin Quinvaxem, đồng thời đưa thêm một số loại vắc-xin mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2018, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cho biết, số vắc-xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc.
Về phía nhà sản xuất Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, theo ông Phu, Việt Nam cũng như các nước đang sử dụng vắc-xin này đều phải dùng vắc-xin chuyển đổi. Việc thay thế vắc-xin là bình thường. Do nhà máy ngừng sản xuất phải thay thế, không có xáo trộn gì. Hơn nữa, vắc-xin này có thành phần tương đương với vắc-xin Quinvaxem.
Theo tìm hiểu, vắc-xin sẽ thay thế Quinvaxem được mua bằng nguồn kinh phí Nhà nước và hỗ trợ một phần của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng.
Theo WHO, vắc-xin của Ấn Độ đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO.
“Bộ Y tế cố gắng bảo đảm có vắc-xin kế tiếp cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Để bảo đảm trẻ em được tiêm phòng một cách liên tục, đầy đủ các vắc-xin, phụ huynh không nên xáo trộn tâm lý.
Chúng tôi sẽ lựa chọn loại vắc-xin được sử dụng nhiều và rộng rãi trên thế giới để nhập khẩu về Việt Nam, trải qua các thủ tục kiểm định và sẽ tiến hành tiêm ở quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm. Vắc-xin phải đạt chất lượng, hiệu quả, an toàn, được cấp phép đầy đủ… đó là những điều bộ Y tế phải lo”, ông Phu nói.
Nguyễn Huệ